Lãnh đạo phường bị 'khủng bố' vì nhân viên vay tiền
Mới đây, ba nhân viên tại phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu đã phải làm đơn gửi công an tố cáo về việc toàn bộ thông tin cá nhân, gia đình bị các nhóm đối tượng đòi nợ thuê đưa lên mạng xã hội...
Thậm chí lãnh đạo phường Thắng Nhất cũng bị nhóm đối tượng gọi điện thoại “khủng bố” liên tục với mục đích làm áp lực buộc các nhân viên trả nợ.
Cụ thể, ông NMX cho biết ông rất bất ngờ khi giữa tháng 10-2019 phát hiện hình ảnh chụp toàn bộ sổ hộ khẩu cùng các thành viên trong gia đình ông bị một tài khoản Facebook có tên Tín Phạm đưa lên mạng dưới mục “truy tìm đối tượng chuyên lợi dụng lòng tin vay tiền và giật nợ”.
“Ngoài thông tin sổ hộ khẩu, họ còn đăng CMND của con trai tôi, hình ảnh con và bạn gái nó cùng một số nhân viên trong phường nơi tôi công tác - có trong danh sách bạn bè Facebook của con trai tôi. Facebook này thông tin con trai tôi đã vay mượn nợ số tiền 22 triệu đồng nhưng trốn tránh hai năm qua không trả, được gia đình, bạn bè, người thân bao che trốn nợ…” - ông X. nói.
Theo ông X., sau khi xảy ra sự việc ông có hỏi con trai thì được biết tháng 12-2017, con ông có ký hợp đồng vay tín dụng với Công ty Tài chính F. số tiền 10 triệu đồng. Con ông đã trả được 5 triệu đồng nhưng sau đó tính các khoản đến tháng 6-2019 thì tổng số tiền phải trả lên tới 22 triệu đồng.
Một thanh niên tự xưng nhân viên công ty đến đòi nợ và còn giả một thông báo của phòng pháp lý kinh tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không có thực để gửi thông báo đòi nợ đến gia đình.
“Con tôi nợ, chúng tôi sẵn sàng trả nợ nhưng họ tính lãi suất quá cao như vay tín dụng đen bên ngoài. Họ còn đăng thông tin gia đình, các nhân viên của phường không liên quan đến vụ việc lên công khai, bôi nhọ, gọi điện thoại và đến phường “khủng bố” lãnh đạo phường. Vì vậy tôi phải làm đơn tố cáo nhờ công an giải quyết…” - ông X. nói.
Tương tự, ông NVĐ (nhân viên) cũng cho hay cũng vì cần tiền việc gấp nên ký hợp đồng vay công ty tài chính số tiền 45 triệu đồng (tháng 7-2017). Thực tế nhận chỉ là 41 triệu đồng do đã trừ một phần tiền lãi và phí. Ông đã trả được 18 tháng, số tiền cả gốc và lãi là 54 triệu đồng. Nhân viên đòi nợ nói ông Đ. vẫn còn nợ 20 triệu đồng. Ông thắc mắc số tiền cao quá, họ cho một thanh niên gọi điện thoại "khủng bố", trong đó có người thân, đến phường gặp chủ tịch phường “khủng bố”…
Một nhân viên nữ khác là chị TTTL kể gia đình chị cũng có vay số tiền 25 triệu đồng để chăn nuôi. Chị L. đã trả được năm tháng lãi và gốc, sau đó chị xin thanh toán luôn tiền gốc thì nhận được tin phải trả 30 triệu đồng.
“Tôi không đồng ý con số trên thì bị một công ty đòi nợ thuê ở TP.HCM đăng thông tin số CMND, điện thoại, tên tuổi tôi, nơi công tác, hình ảnh con tôi và các con lên Facebook để nhắn đòi nợ, truy tìm… Tôi không trốn nợ nhưng số tiền tính lãi và cách thức đòi nợ như trên khiến gia đình tôi bị khủng hoảng” - chị L. chia sẻ.
Một lãnh đạo UBND phường Thắng Nhất cho biết: “Một số người trực tiếp gọi điện thoại đến cho tôi nhiều lần để yêu cầu nhân viên trong phường trả nợ. Họ đến phường nên phường phải nhờ công an mời về làm việc. Việc nhân viên của phường có nhu cầu vay vốn để tiêu dùng cá nhân và có ký hợp đồng với các công ty tài chính là chính đáng. Đây là các giao dịch dân sự giữa hai bên, có thể khởi kiện ra tòa để xử lý.
Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng chuyện đòi nợ có những hành vi vi phạm pháp luật khác. Trong đó có việc đưa thông tin cá nhân một số nhân viên không liên quan đến việc vay mượn tiền lên mạng xã hội. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm”.
Hiện Công an TP Vũng Tàu đang lập hồ sơ giải quyết.