Lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing nói cuộc đảo chính này 'khác biệt'
Nhà lãnh đạo quân sự cầm quyền của Myanmar hôm thứ Hai (8/2) đã phát biểu, lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính tuần trước, rằng cơ quan hiện nắm quyền 'khác' với các chính phủ quân sự trước đây.
Lãnh đạo quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing phát biểu trước quốc gia vào ngày 8 tháng 2. Reuters
Bài liên quan
Myanmar: Các nhà sư, y tá tham gia ngày thứ ba biểu tình chống đảo chính quân sự
Hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình trên khắp Myanmar
Myanmar cắt toàn bộ liên lạc dữ liệu di động và Internet
Thượng tướng Min Aung Hlaing cho biết Hội đồng Hành chính Nhà nước mới được thành lập hôm thứ Ba tuần trước bao gồm thành viên dân sự và người dân tộc thiểu số, kêu gọi "công chúng tập trung vào sự thật và không bị cảm xúc cuốn theo" khi những người biểu tình xuống đường trên toàn quốc
Với việc thế giới đang theo dõi những gì đang chờ đợi ở phía trước đối với một nền kinh tế mới nổi được coi là một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất châu Á, vị tướng này đảm bảo rằng các chính sách kinh tế của chính phủ tiền nhiệm sẽ được duy trì và Myanmar sẽ vẫn mở cửa cho vốn nước ngoài.
"Sẽ không có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, chính sách của chính phủ và chính sách kinh tế của đất nước trong thời kỳ chúng tôi đang tạm thời đảm nhận trách nhiệm nhà nước", tướng Aung Hlaing nói. "Chúng ta sẽ đi theo con đường giống như trước đây".
Vị tướng này thề sẽ bảo vệ hiến pháp Myanmar và trao lại quyền lực "sau khi tình trạng khẩn cấp được thực hiện để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử dân chủ đa đảng tự do và công bằng".
Sau nhiều tuần chỉ trích gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái, quân đội hôm thứ Hai tuần trước đã lật đổ chính phủ được bầu của nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi, bắt giữ bà và các nhân vật chính trị khác. Thay vào đó, chính quyền quân sự thành lập Hội đồng Hành chính Nhà nước gồm các thành viên được lựa chọn cẩn thận.
Hội đồng có một biên chế gồm tám quân nhân và tám thành viên dân sự. Quân đội ban đầu nắm đa số ghế, nhưng các cuộc bổ nhiệm bổ sung đã cân bằng số lượng.
Ông Min Aung Hlaing lặp lại hai lần rằng Myanmar sẽ "duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia", và cho biết sẽ không có thay đổi trong chính sách ngoại giao. Giọng điệu hòa giải của ông được đưa ra khi các quốc gia phương Tây cân nhắc khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar.
Tướng Aung Hlaing biện minh cho việc loại bỏ chính phủ trước đó, nói rằng động thái này là 'không thể tránh khỏi' khi cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Cuộc bỏ phiếu đã mang lại chiến thắng vang dội cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi.
Một ủy ban bầu cử mới được bổ nhiệm đã được chỉ định để điều tra các trường hợp gian lận cử tri. Vị tướng cho biết ủy ban có nhiệm vụ đề xuất các cải cách.
Hôm thứ Hai (8/2), hàng chục nghìn người biểu tình đã tụ tập trước tòa thị chính ở trung tâm thành phố Yangon. Ngày hôm đó, quân đội đã cảnh báo rằng họ sẽ áp dụng 'các biện pháp pháp lý' chống lại các hoạt động đe dọa sự ổn định quốc gia và gây nguy hiểm cho an toàn công cộng và pháp quyền.
Theo truyền thông địa phương, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng đối với các khu vực của Yangon cũng như Mandalay và các địa điểm khác. Việc tụ tập nhiều hơn năm người đã bị cấm.
Tướng Min Aung Hlaing cho biết Myanmar "sẽ bắt đầu hồi hương các công dân của chúng tôi bị mắc kẹt ở nước ngoài do đại dịch COVID-19".