Lãnh đạo quốc gia thành viên NATO tuyên bố không ủng hộ Ukraine gia nhập khối
Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố rằng quốc gia này sẽ không ủng hộ Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ít nhất là trong thời gian ông còn tại nhiệm.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Folha de S.Paulo của Brazil, ông Fico nhấn mạnh: "Khi còn giữ chức thủ tướng, tôi sẽ không bao giờ ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO”.
Lập trường này của ông Fico được xem là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập liên minh quân sự này, trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn tiếp diễn.
Theo hiệp ước thành lập NATO năm 1949, khối quân sự chỉ mở rộng dựa trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Theo tờ Politico (Mỹ), điều này đồng nghĩa với việc lập trường phản đối của Thủ tướng Fico thực sự có thể ngăn chặn tư cách thành viên của Ukraine, ít nhất cho đến năm 2027, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hiện tại của nhà lãnh đạo này.
Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào mùa thu năm ngoái, ông Fico đã đảo ngược chính sách của chính phủ tiền nhiệm về hỗ trợ vật chất cho Ukraine trong xung đột với Nga. Thay vào đó, Fico cam kết rằng chính phủ của ông sẽ "không gửi thêm một viên đạn nào nữa”.
Về phần NATO, tân Tổng thư ký Mark Rutte cam kết tăng cường ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine. Chuyến đi đầu tiên của ông Rutte sau khi nhậm chức là đến Kiev, nơi ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ukraine nộp đơn chính thức xin gia nhập NATO vào ngày 30/9/2022.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 19/11, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok cảnh báo “sẽ rất nguy hiểm” nếu các nước thành viên NATO bị lôi kéo vào xung đột Nga-Ukraine.
Theo ông Esktok, Tổng thống Zelensky gần đây đã đề cập đến khả năng chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao, nhưng phương Tây đã phản ứng bằng cách cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do các nước này cung cấp và diễn biến này có thể gây trở ngại cho đàm phán hòa bình. Ông Estok cảnh báo, nếu tên lửa của NATO bắn trúng thành phố Nga, Moskva sẽ đáp trả mạnh mẽ và Ukraine là quốc gia đầu tiên gánh chịu hậu quả.