Lãnh đạo quốc tế mang thông điệp lớn đến Hội nghị thượng đỉnh P4G
Những lộ trình đầy tham vọng về tăng trưởng xanh, những triển vọng P4G về hi vọng mới của thế giới, hay sự đề cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam, các nhà lãnh đạo quốc tế đã truyền tải nhiều thông điệp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G diễn ra chiều 16/4.
Từ hành động cụ thể của mỗi quốc gia
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali cho biết, thế giới đang đối mặt với lựa chọn rất quan trọng là theo đuổi con đường hành động thực tế, toàn diện để giải quyết nhu cầu của nhóm dễ bị tổn thương nhất - những người đang phải gánh chịu nhiều tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Thủ tướng Ethiopia cho biết, trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2013 và Chương trình nghị sự 2033 của Liên minh châu Phi, Ethiopia đã vạch ra một lộ trình đầy tham vọng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào năm 2050.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali phát biểu tại phiên khai mạc.
"Những tham vọng này đã được chuyển thành các biện pháp chính sách cụ thể, phản ánh trong các kế hoạch phát triển quốc gia và được triển khai thông qua chiến lược và sáng kiến xanh của quốc gia châu Phi này", Thủ tướng Ethiopia nói, nêu rõ các chính sách thiết thực như sáng kiến trồng 40 tỷ cây xanh, phát triển năng lượng tái tạo với 98% điện năng từ thủy điện, cũng như giao thông xanh.
Thủ tướng Abiy Ahmed nhấn mạnh: “Tài chính phải là nền tảng cho hành động khí hậu, và châu Phi - với trữ lượng rừng lớn và khả năng hấp thụ carbon cao - cần được tiếp cận công bằng nguồn lực toàn cầu”, đồng thời kêu gọi các thành viên P4G ưu tiên phối hợp liên khu vực trong hành động vì khí hậu, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho COP lần thứ 30 tại Brazil.
Về phần mình, chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên Lào tham dự Hội nghị thượng đỉnh P4G, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự chủ động và đóng góp thiết thực của Việt Nam trong việc thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu vì mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Ông khẳng định tăng trưởng xanh là chiến lược ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội của Lào, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 và các khủng hoảng khu vực, từ đó kêu gọi cộng đồng quốc tế “chia sẻ công nghệ, tài chính và đổi mới sáng tạo để các quốc gia đang phát triển cùng tiến lên”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Đến tầm nhìn P4G đem lại hi vọng cho thế giới
Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohamad, sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng xã hội dân sự toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư do Việt Nam đăng cai cho thấy cam kết xây dựng một xã hội bền vững, kiên cường, bao trùm và thịnh vượng hơn, đồng thời đem lại niềm hy vọng cho thế giới.
“Thông qua hợp tác, chúng ta có thể giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chuyển đổi hệ thống năng lượng, nước và thực phẩm để trở nên kiên cường hơn, bao trùm và bền vững hơn”, bà Amina J. Mohamad nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo thiệt hại từ thiên tai đang ngày càng lớn, khủng hoảng khí hậu đang làm tiêu hao ngân sách và nguồn lực cần thiết cho phát triển.
Từ đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới sử dụng tối đa công cụ hiện có để thúc đẩy các giải pháp; thay đổi chính sách thông minh ở mọi cấp, từ địa phương, quốc gia đến toàn cầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh và chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư trên quy mô lớn, tạo thêm việc làm và cuộc sống chất lượng bền vững.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohamad đánh giá cao triển vọng xanh của Việt Nam.
Bà Amina J. Mohamad cũng đề nghị các cộng đồng doanh nghiệp, tài chính và xã hội dân sự cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và biến những trở ngại thành cơ hội kinh doanh; tạo ra các mô hình và quan hệ đối tác mới để huy động tài chính cho cam kết khí hậu và phát triển bền vững.
Đánh giá cao lộ trình hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam, bà Amina J. Mohamad nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không chỉ giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng hơn.
Cụ thể hóa thành các chiến lược chuyển đổi xanh
Chia sẻ tại phiên khai mạc, Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Ani Dasgupta tái khẳng định, thế giới đang trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là một sự chuyển đổi đơn thuần, mà là chuyển đổi nền kinh tế vì con người, thiên nhiên và khí hậu. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này chưa diễn ra với tốc độ và quy mô cần có.
“Đây là lý do chúng ta có mặt ở đây - Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư - để trao đổi về tương lai chung của thế giới”, ông Ani Dasgupta nói.
Dựa trên lập luận này, Chủ tịch WRI khẳng định, chuyển đổi xanh cần gắn liền với các doanh nghiệp, cùng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
“Chúng ta cần các hệ thống phát triển nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh khả thi. Đó chính là nơi P4G đóng vai trò quan trọng. P4G tạo ra một nền tảng từng bước, kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân, tài chính và chính phủ”, ông nói, dẫn chứng rằng chỉ hơn 5 năm, P4G đã huy động được hơn 500 triệu USD nguồn vốn tư nhân cho các sáng kiến, tạo ra các cơ hội mới cho các quốc gia.