Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX, cử tri trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị trên các lĩnh vực đời sống xã hội gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lĩnh vực của ngành, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri.

* Cử tri huyện Thạnh Trị và huyện Mỹ Tú kiến nghị điều chỉnh độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội lần đầu cho người cao tuổi.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Mã Chí Thanh trả lời: Theo Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 và Khoản 5, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, ngày 21-10-2013 của Chính phủ về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, với số tiền 270.000 đồng/tháng.

Trường hợp người cao tuổi (từ 60 tuổi đến 80 tuổi) thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng trợ cấp hàng tháng, với số tiền 405.000 đồng/tháng.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại tỉnh Sóc Trăng năm 2017, Ban Công tác người cao tuổi tỉnh đã có báo cáo và đề xuất mở rộng đối tượng trợ cấp bảo trợ xã hội cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có văn bản kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Người cao tuổi năm 2009, trong đó, mở rộng đối tượng trợ cấp bảo trợ xã hội cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên theo ý kiến đề nghị của cử tri. Tuy nhiên, đến nay Trung ương vẫn chưa có văn bản điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi như cử tri đã kiến nghị.

* Cử tri huyện Mỹ Xuyên kiến nghị bổ sung chính sách cho thân nhân thờ cúng Bà mẹ Việt Nam anh hùng tương tự như thân nhân thờ cúng liệt sĩ dịp lễ, tết.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Mã Chí Thanh trả lời: Nội dung kiến nghị của cử tri cần được xem xét bổ sung vào Pháp lệnh Ưu đãi người có công, thẩm quyền sửa đổi là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến cử tri và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh để kiến nghị đến Quốc hội trong kỳ họp tiếp theo.

* Cử tri huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Châu Thành đề nghị bổ sung chính sách nhà ở cho vợ liệt sĩ tái giá, nâng mức trợ cấp điều dưỡng tại gia đình, nâng mức trợ cấp một lần đối với đối tượng hưởng trợ cấp theo Quyết định số 290, nâng mức trợ cấp một lần các đối tượng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Mã Chí Thanh trả lời: Theo quy định về các chế độ, chính sách đối với người có công cũng như mức trợ cấp, phụ cấp đối với thân nhân người có công do Chính phủ quy định. Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu và tham mưu HĐND tỉnh kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, gửi những kiến nghị của cử tri đến Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung.

* Cử tri huyện Thạnh Trị đề nghị “bổ sung nguồn vốn vay ban đầu cho lao động tham gia xuất khẩu lao động theo Đề án số 01 của UBND tỉnh; vì hiện nay, chi phí ban đầu (học tiếng kèm hồ sơ khoảng 25 triệu đồng) nhưng đa số lao động đều có hoàn cảnh rất khó khăn, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc vận động học viên tham gia đề án”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Mã Chí Thanh trả lời: Theo Đề án thí điểm số 01/ĐA-UBND, ngày 14-1-2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng về chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... theo hợp đồng, từ ngân sách địa phương, giai đoạn 2019 - 2021 (gọi tắt là Đề án số 01) như sau: Người lao động được vay tối đa bằng 100% chi phí dịch vụ hợp pháp cần thiết để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là các khoản chi phí được ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và là cơ sở để ngân hàng chính sách xã hội thẩm định hồ sơ cho vay.

Theo Thông tư số 22/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 15-10-2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu và nội dung của hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau: Nội dung đóng các khoản chi phí ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, bao gồm: Tiền dịch vụ (nếu có); tiền môi giới (nếu có); các khoản chi phí khác (nếu có): Tiền làm hộ chiếu, xin visa, vé máy bay, tiền khám sức khỏe, học phí học ngoại ngữ, học phí bồi dưỡng nâng cao tay nghề, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết... Như vậy, chi phí học ngoại ngữ được thể hiện trong hợp đồng thì người lao động được vay vốn từ ngân sách địa phương theo Đề án số 01.

* Cử tri quan tâm đến chất lượng công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhân rộng, phổ biến các mô hình sản xuất giảm nghèo hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Mã Chí Thanh trả lời: Về chất lượng công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo: Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28-6-2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 14/2018/TT- BLĐTBXH, ngày 26-9-2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH. Để công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo các tiêu chí công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tổ chức lớp tập huấn triển khai quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến cán bộ phụ trách giảm nghèo các cấp và điều tra viên tại các ấp, khóm. Trong thực hiện, cán bộ phụ trách các cấp và điều tra viên phải thực hiện theo quy trình. Sau đó, tổ chức bình nghị ra dân và báo cáo ban chỉ đạo, UBND các cấp theo quy định. Qua đó, trong những năm qua, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, thắc mắc trong nhân dân.

Tuy nhiên, trong thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, vẫn còn trường hợp phiếu thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa đầy đủ, chưa phản ánh chính xác hiện trạng, thu nhập thực sự của hộ. Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua có sự thay đổi về cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo từ cấp xã đến cấp huyện.

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng các xã cử điều tra viên (trưởng ban nhân dân ấp, khóm) tham gia tập huấn nghiệp vụ nhưng đến thời điểm điều tra, rà soát thì lại là điều tra viên khác thu thập thông tin của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung có liên quan đến quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thiếu sự phân công hoặc có phân công nhưng công tác kiểm tra, giám sát công tác điều tra tại địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là phân công trong ban chỉ đạo cấp xã.

Về nhân rộng, phổ biến các mô hình sản xuất giảm nghèo hiệu quả: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo có sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc. Các đơn vị đã kịp thời tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Qua các năm, các dự án, mô hình đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Một số mô hình hiệu quả giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ dân tham gia.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Một số địa phương lựa chọn mô hình chưa phù hợp với điều kiện thực tế của hộ dân tham gia dự án; định mức hỗ trợ về cây, con giống... còn thấp so với nhu cầu của người dân; thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cấp để hướng dẫn người dân, nhất là hộ nghèo khi gặp khó khăn trong thực hiện dự án; đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai dự án nhân rộng mô hình, phát triển sản xuất...

N.T

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/lanh-dao-so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-29879.html