Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đi kiểm tra tình trạng ngập úng do triều cường và mưa lớn
Ngày 18.10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra các khu vực bị ngập do triều cường và mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực trồng lúa ở xã Phú Hội, cống Lò Rèn ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) và khu vực bị ngập ở huyện Long Thành.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, bờ bao Phú Hội có tổng chiều dài hơn 22,4km, là một bờ bao loại lớn, có nhiệm vụ quan trọng trong việc ngăn mặn cho hơn 189,9ha đất sản xuất nông nghiệp trong năm 2024. Tuy nhiên, bờ bao này đã được xây dựng từ năm 1978 và hiện đang trong tình trạng xuống cấp. Mặc dù địa phương đã duy tu, sửa chữa nhỏ hằng năm, tình trạng sạt lở và tràn nước vẫn tiếp tục xảy ra, đặc biệt trong các đợt triều cường.
Trong năm 2023, mưa bão và triều cường đã làm sạt lở 25m bờ bao, gây thiệt hại cho khoảng 5ha lúa. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình sạt lở tiếp tục nghiêm trọng hơn với 37m bờ bao bị hư hỏng, làm mất thêm khoảng 7ha lúa.
Hiện nay địa phương bố trí kinh phí để sửa chữa và đầu tư công trình ngăn ngập mặn, đồng thời xây dựng phương án sản xuất theo phương châm chuyển sang thích ứng với xâm nhập mặn thay vì ứng phó và chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản phù hợp.
Còn tại khu vực cống Lò Rèn, xã Long Thọ, cống được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đến tháng 6.2023, trận ngập lụt do mưa lớn và nước từ các nơi khác đổ về làm 353 hộ dân bị hư hại tài sản, hư hỏng khoảng 560km đường giao thông, ước tổng thiệt hại khoảng 10,1 tỉ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực này xảy ra 2 đợt ngập cục bộ, ở mức độ nhẹ, không gây thiệt hại về người và tài sản.
Trên địa bàn huyện Long Thành, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận nhiều đợt mưa lớn, có thời điểm lượng mưa đo được lên đến 82mm, gây ra tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực. Đặc biệt, trên tỉnh lộ 769 thuộc khu vực xã Bình An - Lộc Sơn, có 3 điểm thường xuyên bị ngập, với tần suất xảy ra ngập cục bộ khoảng 2 - 3 lần mỗi năm.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Trần Văn Thân cho rằng nguyên nhân của tình trạng ngập lụt là do tổng diện tích cần thoát nước của khu vực này quá lớn (trên 500ha). Đây là điểm giao nhau của các tuyến suối Cây Khế, suối Phèn, suối Quản Thủ, và cũng là khu vực thoát nước của các dự án lớn như Gemsky và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phước Huy nhận định trong những năm gần đây, mưa lớn thường xuyên xuất hiện tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Đặc biệt, triều cường trên sông Đồng Nai trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11, với đỉnh điểm là vào tháng 10, đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt. Đỉnh triều ngày 17.10 đã đạt mức 2,7m, và dự báo trong các ngày 18 - 19.10, triều cường có thể lên đến mức 2,14m, cao gần bằng mức lịch sử 2,19m.
Phát biểu tại buổi thị sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng tốc độ đô thị hóa cao và phát triển công nghiệp mạnh mẽ tại Long Thành và Nhơn Trạch là những yếu tố khiến khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ triều cường và mưa lớn, gây ngập cục bộ, thậm chí trên diện rộng.
Ngoài ra, cống qua đường tại suối Quản Thủ, quốc lộ 51 bị bồi lắng bùn đất và rác thải, làm hẹp dòng chảy, cũng là nguyên nhân gây ngập.
Ông Phi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo và phòng ngừa ngập lụt, coi đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc nạo vét cống rãnh, sông, và rạch cần được Sở NN-PTNT chỉ đạo triển khai ngay từ cấp cơ sở, cùng với việc vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống ngập lụt.