Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp xúc và đối thoại với doanh nhân
Tại buổi đối thoại với các doanh nhân, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định, các cấp, các ngành của tỉnh sẽ cùng chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp để tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch.
Sáng 12/12, tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông (thành phố Hải Dương), Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng tiếp xúc, đối thoại với doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng biểu dương, ghi nhận và bày tỏ trân trọng những nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào quá trình phát triển của tỉnh Hải Dương.
Thời gian vừa qua, Hải Dương cũng như các địa phương đối diện với rất nhiều khó khăn như dịch bệnh, thời tiết diễn biến bất thường, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; các doanh nhân, doanh nghiệp với tinh thần và trách nhiệm cộng đồng đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả, năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,06%, thu ngân sách nhà nước vượt 30% dự toán năm. Năng lực điều hành kinh tế của Hải Dương cũng đã dần được khẳng định khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thăng hạng ấn tượng, từ vị trí 47 thuộc nhóm trung bình năm 2020, tỉnh đã vươn lên xếp hạng thứ 13 cả nước, đứng đầu tốp 20 tỉnh, thành phố xếp loại khá trong năm 2021.
Tuy nhiên, qua trao đổi, tiếp xúc, nắm bắt tình hình, lãnh đạo tỉnh nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về các vấn đề: xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, đất đai môi trường, lao động việc làm, an ninh trật tự, thực hiện các chính sách thuế, phí… đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp như cấp, gia hạn giấy phép đầu tư, tính giá đất các dự án kinh doanh bất động sản...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại hội nghị đối những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nhân. Với những kiến nghị vượt thẩm quyền của tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Báo cáo tóm tắt thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển lớn mạnh không ngừng về số lượng, chất lượng được nâng lên.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 7.660 doanh nghiệp thành lập mới, tăng bình quân 10,2%/năm, vốn đăng ký tăng 21,8%/năm. Năm 2021, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hướng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 1.436 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17.866 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 207,8 ngàn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ lệ 96,3%...
Trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương kiến nghị tỉnh có giải pháp cụ thể xử lý nguồn vốn huy động còn thừa, thực hiện cho vay hỗ trợ 2% đối với doanh nghiệp khó khăn. Việc cung cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa thật sự ổn định cần sớm tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, được thành lập từ năm 2014, hiện Hiệp hội có 120 đảng viên nhưng đến nay Đảng bộ chưa được cấp kinh phí hoạt động. Đảng ủy Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong lãnh đạo tỉnh xem xét phê duyệt dự toán và cấp kinh phí bảo đảm hoạt động của Đảng ủy. Ông Nhân cũng đề nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nhân cần được tổ chức hàng năm để doanh nhân có cơ hội được chia sẻ vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà Phạm Mỹ Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Hoài Giang bày tỏ: “Với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 96,3%, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là cần mặt bằng phù hợp để mở rộng sản xuất, ổn định kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận đất đai, thuê mặt bằng để sản xuất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp gặp vướng mắc”.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV Lai Vu đưa ra vấn đề đang gặp phải là vướng mắc liên quan đến thủ tục đê điều, khiến dự án của công ty đã kéo dài hơn 12 năm nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Ông Bùi Văn Thuật, Giám đốc Công ty đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ để doanh nghiệp sớm thực hiện dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn khuyến công của tỉnh.
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đại An thì cho biết, trình tự thủ tục đầu tư hiện nay đã là cản trở các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hải Dương do thời gian quá dài. Tỉnh cần thống nhất thủ tục cấp phép, chỉ cần nhà đầu tư có các thủ tục như quy hoạch chi tiết, biên bản giao đất, giấy phép xây dựng… là đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần định nghĩa lại ngành hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp không thuộc diện bất động sản dân dụng và không áp dụng phương pháp tính giá trị thặng dư. “Trong quá trình thực hiện đầu tư chúng ta không làm sai quy định nhưng cần cởi mở, linh hoạt để Hải Dương lấy lại được thứ hạng trong thu hút đầu tư FDI”, bà Trương Tú Phương hiến kế.
Với các vướng mắc đang diễn ra, bà Nguyễn Thị Kim Chính, Tổng Giám đốc CTCP Kim Chính kiến nghị: “Tỉnh cần tiếp tục tháo gỡ giúp các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, giải quyết nhanh gọn thủ tục cấp đất để doanh nghiệp sớm đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời quan tâm tới các vấn đề liên quan đến thi hành án, giải quyết nhanh chóng những tranh chấp của doanh nghiệp”
Ngoài ra, tại buổi đối thoại còn có một số ý kiến của doanh nhân liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, vay vốn, giải phóng mặt bằng, khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định hội nghị đối thoại đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân. Đồng thời, ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sát thực tế và những ý kiến trả lời trọng tâm thể hiện nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn để đồng hành cùng tỉnh phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cam kết thời gian tới tỉnh sẽ có những đổi mới, đồng hành cùng doanh nhân tìm cách tháo gỡ khó khăn, tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện, đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền, tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ.
“Với sự quyết tâm, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Tỉnh sẽ luôn nghiêm túc lắng nghe và giải quyết các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 thành tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh.