Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục sạt lở
Ngày 21-9, tỉnh Quảng Nam thành lập 2 đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu nhằm kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục sạt lở do ảnh hưởng mưa bão gây ra tại xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) và xã biên giới Đắc Pre (huyện Nam Giang).
Sạt lở làng Tăk Chay
Tại xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), báo cáo với đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết dẫn đầu, lãnh đạo xã cho hay, đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 17 đến ngày 18-9 gây sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 33 hộ/171 nhân khẩu thuộc 2 cụm dân cư làng Tăk Chay (thôn 5, xã Trà Cang), buộc phải sơ tán, di dời khẩn cấp. Do đó, UBND xã chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn hỗ trợ nhân dân sơ tán, di dời đến khu dân cư làng Tăk Cui kế bên để ở xen ghép và bố trí nhà ở tạm.
Tiếp nhận thông tin vụ sạt lở, lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My và các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã đến kiểm tra, bàn biện pháp khắc phục, hỗ trợ nhân dân. Địa phương đã xây dựng phương án hỗ trợ, sắp xếp dân cư, bổ sung vào kế hoạch năm 2024, lập danh sách cụ thể các hộ bị thiệt hại đưa vào phương án để hỗ trợ. UBND xã đã thực hiện chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp cho 20 hộ với mức 20kg gạo và 1 triệu đồng/hộ.
Qua kiểm tra thực tế hiện trường vụ sạt lở và công tác hỗ trợ di dời nhà cửa, tài sản, bố trí ở tạm cho người dân làng Tăk Chay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận sự chủ động của địa phương trong ứng phó thiên tai; đồng thời nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, tính mạng, an toàn cho người dân và các lực lượng hỗ trợ phải được đặt lên hàng đầu trong mọi tình huống.
“Hiện nay, địa phương cần tập trung lo cho đời sống nhân dân, không để người dân thiếu đói, rét, không để học sinh nghỉ học kéo dài. Tinh thần “4 tại chỗ” phải được quán triệt xuyên suốt, thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện cho người dân nắm, vận động cùng thực hiện. Song song với đó phải thông tin, cập nhật thường xuyên tình hình, cảnh báo nguy cơ về thiên tai nhanh, đúng, đủ, kịp thời. Về lâu dài, cần rà soát để di dời toàn bộ người dân ở các vùng có nguy cơ cao sạt lở, tìm kiếm và sắp xếp bố trí dân cư ổn định. Trong vòng 3 ngày tới, phải di dời toàn bộ hộ dân còn lại ở Tăk Chay đến nơi an toàn. Đảm bảo thông tin liên lạc, huy động phương tiện để giao thông thông suốt phục vụ di dời, ứng phó thiên tai”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã đến thăm, động viên người dân đang được bố trí xen ghép, ở tạm tại các điểm trường sau vụ sạt lở; đồng thời trao 45 suất quà (mỗi suất gồm 2 triệu đồng và quà) cho người dân xã Trà Cang bị ảnh hưởng do sạt lở; trao quà, động viên chính quyền xã Trà Cang.
Nứt đồi ở Đắc Pre
Cũng trong sáng 21-9, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dẫn đầu cũng đã trực tiếp đến hiện trường, nơi xuất hiện vết nứt lớn kéo dài tại ngọn đồi núi phía sau khu dân cư thuộc xã biên giới Đắc Pre (huyện Nam Giang) để khảo sát, đánh giá tình trạng sạt lở.
Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng ghi nhận, vết nứt có chiều sâu từ 1,5m đến 5m, chiều dài khoảng 120m. Nhiều đoạn có dấu hiệu sụt trượt, lún sâu theo lớp tầng, đường nứt mở rộng và ngấm nước nhiều ngày, nguy cơ đất sụt đổ xuống phía nhà dân bất cứ lúc nào. Ông Un Groanh (65 tuổi, trú thôn 56B) lo lắng khi cuộc sống của người dân cả làng bị đe dọa trước tình trạng sạt lở. “Bà con ai cũng rất lo sợ trước nguy cơ sạt lở xảy ra. Tất cả các hộ dân tại đây đều sống ở khu vực đồi núi, cho nên ai cũng hoang man, lo sợ lắm. Mong muốn các cấp chính quyền chỉ đạo, quan tâm để người dân sớm có chỗ ăn, chỗ ở, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay”, ông Un Groanh nói.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân sống tại thôn 56B, chính quyền xã Đắc Pre đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với 41 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện các hộ dân được bố trí ở xen ghép và ở tạm tại các trường học để đảm bảo an toàn. UBND huyện Nam Giang đã trích nguồn lương thực dự trữ, đảm bảo cho 11 hộ dân thôn 56B không thiếu đói trong thời gian di dời. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Đắc Pring cũng đã cắt cử tổ công tác làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực này, tổ chức giăng dây, rào chắn cảnh báo nguy hiểm, phối hợp với các lực lượng tại chỗ kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống nguy hiểm.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn thông tin, ngôi làng này là nơi các hộ dân đồng bào Ve, Tà Riềng sinh sống ổn định từ bao đời nay, chưa từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Do đó việc xuất hiện vết nứt trên ngọn đồi sau đợt mưa lớn là điều bất thường, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sạt lở rất lớn, chôn vùi cả ngôi làng này.
Nhằm ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, lãnh đạo UBND huyện Nam Giang đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ trương thực hiện tái định cư khẩn cấp đối với 11 hộ dân tại thôn 56B theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh. Tổng kinh phí để bố trí tái định cư mới hơn 6 tỷ đồng và mức kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 115 triệu đồng/nhà. Khu tái định cư này được nhà nước đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm…
Qua khảo sát khu vực đồi núi xuất hiện vết nứt ở thôn 56B, xã Đắc Pre, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhận định, khu vực này có thể sạt lở bất cứ lúc nào và đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân tại đây do đó lãnh đạo huyện Nam Giang và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất các thủ tục, chọn vị trí an toàn để xây dựng khu tái định cư, đồng thời hỗ trợ kinh phí để người dân thôn 56B di dời đến nơi ở mới trước Tết Nguyên Đán năm nay.
“Địa phương khẩn trương tìm kiếm vị trí mới an toàn để bố trí tái định cư cho người dân thôn 56B. Sau khi tìm kiếm được vị trí thì sớm bố trí phương tiện san ủi mặt bằng. Trước khi chính quyền bố trí nguồn lực cho người dân xây nhà mới thì người dân có thể di chuyển những ngôi nhà cũ được làm bằng gỗ đến khu tái định cư mới để ở tạm. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm tái định cư cho người dân vùng sạt lở này”, Chủ tịhc UBND tỉnh Quảng Nam nói.