Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với nông dân

Nhiều vấn đề thắc mắc, bất cập trong vấn đề phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM đã được nhiều hợp tác xã, nông dân trên địa bàn đưa ra và đề xuất giải pháp tại buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố.

Ngày 13/8, tại hội trường UBND TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ Lãnh đạo phố, đối thoại với cán bộ, hội viên hội nông dân.

Nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố thường xuyên thông tin tình hình kinh tế - xã hội đến các cấp hội nông dân và nông dân thành phố và ngược lại. Qua đó, quá trình hoạch định, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố luôn có nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo phát triển hài hòa không tạo ra sự phân cực giữa đô thị và nông thôn, người nông dân thành phố có đời sống vật chất, tinh thần tương xứng với sự phát triển của thành phố.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại cuộc gặp

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại cuộc gặp

Thành phố xác định phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của nông dân, nhất là sau dịch COVID-19. Theo ông Mãi, người nông dân của thành phố phải thực sự có mức sống, có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn mức bình quân của cả nước. “Tôi mong muốn các hội viên nông dân TP cần trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp của các sở, ngành, các hợp tác xã, các doanh nghiệp và hộ nông dân, để giúp Thành ủy, UBND thành phố tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của hội viên hội nông dân. Từ đó, có những định hướng chỉ đạo phát triển đúng đắn, phù hợp, góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã được trương, Thành ủy, UBND thành phố đã đề ra”, ông Mãi nhấn mạnh.

Tháo gỡ khó khăn để nông dân mở rộng sản xuất

Theo Hội Nông dân TPHCM, thời gian qua, quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm dẫn đến quy mô sản xuất nông hộ phần lớn đều nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như việc tiêu thụ sản phẩm. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học chưa cao. Đồng thời, việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực mở rộng thị trường và dự báo thị trường cho sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế...

Từ năm 2021, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hết thời hạn thi hành như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên đến nay, thành phố vẫn chưa ban hành các chính sách thay thế nên nông dân, các hợp tác xã gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo thành phố

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo thành phố

Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị, thành phố nghiên cứu và đề xuất Trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để mở rộng quy mô sản xuất.

Cũng theo bà Xuân, TP.HCM cần ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp của thành phố; xây dựng các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố.

Nêu rõ những bất cập, vướng mắc trên địa bàn huyện, ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch hội nông dân Huyện Củ Chi, cho biết năm 2017, dưới sự hỗ kinh phí của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, chợ phiên nông sản Huyện Củ Chi, nơi kết nối giao thương, quảng bá trưng bày các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn Huyên Củ Chi duy trì trong nhiều năm. Trừ năm 2020, do tình hình dịch bệnh diễn ra, nên chương trình bị gián đoạn. “Tuy nhiên, trong năm 2023, sở Tài chính không cung cấp kinh phí để thưc hiện kế hoạch tổ chức phiên chợ nông sản với lý do chưa có chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố về vấn đề này” ông Thuận cho biết.

Chương trình nhằm nắm bắt sâu sát tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân đối với các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của thành phố.

Chương trình nhằm nắm bắt sâu sát tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân đối với các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của thành phố.

Ông Thuận kiến nghị với lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo để chương trình chợ phiên nông sản huyện Củ Chi được duy trì hằng năm nhằm kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Trong khi đó, đại diện hội nông dân huyện Cần Giờ cho rằng, sản phẩm yến sào tại Cần Giờ có chất lượng tốt, đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Chính vì thế, các hộ nuôi yến ở Cần Giờ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm ban hành hướng dẫn hồ sơ đăng ký mã số cơ sở nuôi yến, để người nuôi yến chuẩn bị hồ sơ nhằm đưa sản phẩm yến sào Cần Giờ đi xuất khẩu.

Phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các sở, ban, ngành làm rõ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập của các hợp tác xã, quận, huyện. Lãnh đạo thành phố cũng khuyến khích sở, ban, ngành, các hợp tác xã, nông dân trên toàn địa bàn tiếp tục phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các Sở ban ngành liên quan duy trì tổ chức các lễ hội nông nghiệp, các hoạt động du lịch nông nghiệp… nhằm gia tăng giá trị trên đất nông nghiệp.

Theo Hội Nông dân TP.HCM, giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân TP.HCM đã vận động 17.407 hội viên nông dân trực tiếp sản xuất tham gia thành lập được 95 hợp tác xã và 601 tổ hợp tác.

Hoàng My

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/lanh-dao-tphcm-gap-go-doi-thoai-voi-nong-dan-c2a60174.html