Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường
Chiều nay (2/4), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Cương đã chủ trì làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I, nhiệm vụ giải pháp quý II và công tác sắp xếp tổ chức bộ máy sau khi sáp nhập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc.
Quý I/2025, tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đoàn kết, chủ động, khẩn trương và linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Sở đã thực hiện hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, không để gián đoạn công tác chuyên môn. Sau sáp nhập, cơ cấu tổ chức của Sở giảm từ 31 đầu mối xuống còn 19 đầu mối, tương đương giảm 38,7%. Các phòng, đơn vị đã bố trí công chức làm việc hợp lý, công tác bổ nhiệm lãnh đạo quản lý và giải quyết chế độ cho công chức được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Sở đã phối hợp giải quyết nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Phòng Chăn nuôi, thú y và thủy sản tham gia ý kiến tại buổi làm việc
Sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường được chỉ đạo sát sao; cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, không xảy ra sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, Sở đã cấp 6 mã số vùng trồng cho các loại cây: lúa, mít, bưởi, cà phê với tổng diện tích 18,2ha; công nhận 1 vườn cây đầu dòng cho cây na với diện tích 10.000m². Mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính triển khai tại các huyện Điện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo thu hút sự tham gia tích cực của người dân với tổng diện tích 85,86ha.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm phát biểu tại buổi làm việc
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở tích cực triển khai các biện pháp quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Đã tham mưu UBND tỉnh cấp 1 giấy phép thăm dò đá phiến lợp và 1 giấy phép thăm dò khoáng sản đất làm nguyên liệu sản xuất gạch. Trong quý I, Sở thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường 1 dự án và cấp giấy phép môi trường cho 2 dự án, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường làm rõ một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, đại diện quản lý các lĩnh vực chuyên môn đã kiến nghị một số nội dung về: Phân bổ kinh phí, vốn thực hiện các nhiệm vụ xây dựng phương án giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định; thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất; mua sắm trang thiết bị, máy móc quan trắc môi trường; phân bổ kế hoạch trồng cây phân tán thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2025...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Xuân Cảnh làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, hạn chế sau khi sáp nhập như: Phụ trách đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc lớn lại phải tinh giản tối thiểu 20% biên chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy còn nhiều khó khăn do phải xác lập lại trình tự, thẩm quyền; các nhiệm vụ mới, thực hiện theo các luật mới được bổ sung sửa đổi cần phải rà soát, kiểm tra lại quy trình, trình tự thực hiện…
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung xây dựng, rà soát kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 sau khi sáp nhập để tổ chức triển khai kịp thời. Tập trung tham mưu cho tỉnh cơ chế chính, sách đối với các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, đặc biệt là chính sách phát triển sản xuất lúa hữu cơ; nhân rộng diện tích cây chè phát triển theo hướng công nghệ cao; đôn đốc thực hiện đề án bảo vệ phát huy cánh đồng Mường Thanh; phấn đấu đến 20/11 hoàn thành xong phân loại 3 loại rừng. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đối với TP. Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay. Khẩn trương phân bổ vốn thực hiện các dự án trồng rừng; sớm triển khai dự án trồng mắc ca ở các tỉnh Bắc Lào; rà soát tài sản nhà đất, tài sản công để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu để tham mưu UBND tỉnh có phương án ứng phó kịp thời với thiên tai. Sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khởi công nhà máy chế biến cà phê tại huyện Tuần Giáo; đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật cho người nông dân.