Lãnh đạo Ukraine chỉ trích Giáo hoàng vì phát ngôn kêu gọi Kiev 'giương cờ trắng'
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng giới chức các nước đồng minh đã đồng loạt chỉ trích Giáo hoàng Francis khi ông cho rằng Ukraine nên thể hiện dũng khí, 'giương cờ trắng' để đàm phán chấm dứt xung đột.
Ngày 10/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã đưa ra tuyên bố chỉ trích Giáo hoàng Francis sau phát ngôn kêu gọi Ukraine nên “giương cờ trắng” của người đứng đầu Tòa thánh Vatican được tiết lộ trước khi chính thức phát sóng.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Thụy Sĩ RSI, dự kiến công chiếu ngày 20/3, ông Francis cho biết Ukraine nên thể hiện dũng cảm “giương cờ trắng”, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Nga khi cuộc xung đột đã kéo dài hai năm, khiến nhiều người thiệt mạng.
Phản ứng trước quan điểm của Giáo hoàng, ông Kuleba khẳng định quốc kỳ nước này có màu vàng và màu xanh, nhất định sống chết vì màu cờ và sẽ không giương bất kỳ lá cờ nào khác, ám chỉ việc Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận đầu hàng.
Ông Kuleba cũng yêu cầu Giáo hoàng đừng mắc sai lầm, “đứng về phía chính nghĩa” và không đánh đồng bên đối lập vào chung một quan điểm và gọi đó là đàm phán.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã gián tiếp chỉ trích Giáo hoàng về lời kêu gọi “giương cờ trắng” qua đoạn video phát biểu trên mạng xã hội của ông.
Trong video, lời đầu tiên, ông cảm ơn những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo Ukraine đang ở tiền tuyến, bảo vệ sự sống và sinh mạng của người dân và cảm ơn những người ủng hộ Ukraine bằng những lời cầu nguyện, trò chuyện và hành động.
“Giáo hội là phải làm những điều như thế, một người vì mọi người chứ không phải cách xa hơn 2.500km ở một nơi nào đó có người đang tìm kiếm sự hòa giải giả tưởng giữa những người muốn sống và những người muốn tiêu diệt họ”, ông Zelensky nói và được cho là ám chỉ Giáo hoàng Francis.
Một đồng minh lớn của Ukraine là Ba Lan cũng lên tiếng chỉ trích câu nói gây tranh cãi của Giáo hoàng Francis.
“Công bằng mà nói thì tại sao không khuyến khích phía đối phương can đảm rút quân khỏi Ukraine? Hòa bình sẽ xảy ra ngay lập tức mà không cần phải đàm phán”, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski viết trên mạng xã hội X (Twitter).
Còn Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics, cũng viết trên X sau khi tuyên bố của ông Francis được đăng tải, cho biết: “Người ta không được đầu hàng trước cái ác, người ta phải chiến đấu và đánh bại nó, để cái ác giương cờ trắng và đầu hàng".
Trong khi đó, ông Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp, bác bỏ những bình luận của Giáo hoàng và cho biết người Ukraine không bao giờ có ý định đầu hàng.
“Ukraine dù kiệt sức nhưng vẫn sẽ đứng vững. Hãy tin tôi, Ukraine sẽ không bao giờ đầu hàng ngay cả ở những nơi đang xảy ra giao tranh khốc liệt”, ông cho biết.
Trước những lời chỉ trích Giáo hoàng, người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni cho biết Giáo hoàng chỉ đang hối thúc các bên chấm dứt các hành động thù địch, từ đó đạt được những thỏa thuận ngừng bắn nhờ vào sự can đảm của các cuộc đàm phán, chứ không phải kêu gọi Ukraine đầu hàng.
Thực tế đến nay vẫn chưa có hy vọng về một cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ông Zelensky kiên định mục tiêu đạt được hòa bình nhưng không nhượng bộ bất cứ phần lãnh thổ nào và yêu cầu Nga rút toàn bộ quân về nước. Tuy nhiên phía Nga từ chối tham gia đàm phán hòa bình theo các điều khoản Kiev đưa ra.
Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng giám mục Tổng giáo phận New York (Mỹ) cũng cảnh báo về việc không nên đưa những bình luận của Giáo hoàng ra khỏi bối cảnh tổng thể của câu chuyện.
“Mọi thứ luôn khó hiểu cho đến khi bạn đọc hết toàn bộ ngữ cảnh. Khi Giáo hoàng nói bất cứ điều gì cũng đều mang nhiều sắc thái”, ông Dolan nói và khẳng định Giáo hoàng đang đề nghị các bên đối thoại chứ không phải thúc giục Ukraine đầu hàng.