Lãnh đạo WHO ủng hộ 'hiệp ước đại dịch' để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi nhanh chóng khởi động các cuộc đàm phán toàn cầu, để đồng ý về một hiệp ước quốc tế về chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch, như một phần của những cải cách sâu rộng mà các quốc gia thành viên đã đề ra.

Chỉ có hai hiệp ước quốc tế trước đây đã được đàm phán dưới sự bảo trợ của WHO trong lịch sử 73 năm của tổ chức. Ảnh: AFP

Bài liên quan

WHO đổi tên các biến thể COVID-19 để tránh bị kỳ thị

WHO kêu gọi Mỹ chia sẻ thông tin tình báo về nguồn gốc COVID

Chuyên gia WHO ủng hộ tiếp tục tới Trung Quốc điều tra nguồn gốc COVID-19

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói với hội đồng bộ trưởng thường niên hôm thứ Hai (31/5) rằng cơ quan y tế Liên hợp quốc phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng để duy trì phản ứng COVID-19 ở mức hiện tại và yêu cầu tài trợ bền vững và linh hoạt.

Trước đó trong ngày, các bộ trưởng y tế đã nhất trí nghiên cứu các khuyến nghị về những cải cách đầy tham vọng do các chuyên gia độc lập đưa ra nhằm tăng cường năng lực của cả WHO và các quốc gia trong việc ngăn chặn virus mới.

Các bộ trưởng từ 194 quốc gia thành viên của WHO sẽ họp từ ngày 29 tháng 11 để quyết định có khởi động các cuộc đàm phán về hiệp ước chống đại dịch hay không.

Chỉ có hai điều ước quốc tế trước đây đã được đàm phán dưới sự bảo trợ của WHO trong lịch sử 73 năm của tổ chức: Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá năm 2003 và Quy định Y tế Quốc tế năm 2005.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, virus Corona đã lây nhiễm cho hơn 170 triệu người và giết chết gần 3,6 triệu người.

Vào ngày cuối cùng của cuộc họp kéo dài một tuần, các quốc gia thành viên của WHO đã nhất trí trong một nghị quyết dài 14 trang để “tăng cường năng lực của WHO trong việc đánh giá nhanh chóng và phù hợp các đợt bùng phát dịch bệnh” có thể xảy ra trên toàn cầu.

“Điều cần thiết là chúng ta phải tăng cường giám sát (dịch bệnh) toàn cầu và cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới thẩm quyền và năng lực để thực hiện công việc quan trọng này cho tất cả các dân tộc trên thế giới”, Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trước đại hội.

Một trong những báo cáo cho thấy cơ quan LHQ đã quá chậm chạp trong việc ban bố cái gọi là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm của quốc tế. WHO đã đưa ra mức cảnh báo cao nhất vào ngày 30 tháng 1 năm 2020.

Sau nhiều ngày thảo luận, các thành viên đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc mới để nghiên cứu và sắp xếp hợp lý nhiều khuyến nghị trong báo cáo, đồng thời đưa ra các đề xuất cụ thể để hội nghị năm sau xem xét.

Văn bản kêu gọi các quốc gia thành viên “đảm bảo cung cấp đầy đủ, linh hoạt, bền vững và có thể dự đoán được cho ngân sách chương trình của WHO”. Chỉ có khoảng 16% ngân sách của WHO đến từ hội phí thành viên thông thường, phần còn lại đến từ các khoản đóng góp tự nguyện.

Nghị quyết hôm thứ Hai (31/5) cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường năng lực y tế công cộng cốt lõi, tăng khả năng phát hiện các mối đe dọa mới và truyền đạt những mối đe dọa đó một cách hiệu quả ở cả trong nước và quốc tế.

Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, hoan nghênh các quyết định này, nói: “Hiện tại, các mầm bệnh đang chiếm ưu thế, chúng đang xuất hiện thường xuyên hơn và thường âm thầm trong một hành tinh mất cân bằng".

Đại sứ của Chile Frank Tressler Zamorano thay mặt cho 60 quốc gia nói rằng một hiệp ước chống đại dịch sẽ giúp “chú ý đến lời kêu gọi của rất nhiều chuyên gia để thiết lập lại hệ thống”.

Trong khi đó, nghị quyết đã dừng lại ở việc ủng hộ rõ ràng khuyến nghị của các chuyên gia về việc trao quyền hạn rộng lớn hơn cho WHO để tiến hành các cuộc điều tra hoặc thông báo về các mối đe dọa sức khỏe mà không cần chờ đèn xanh từ các nước liên quan.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lanh-dao-who-ung-ho-hiep-uoc-dai-dich-de-ngan-chan-cac-dot-bung-phat-trong-tuong-lai-post136511.html