Lạnh lưng nhưng ấm bụng
Vừa mời thưởng thức thực đơn vừa... nhát ma thực khách, là một trong những độc chiêu thu hút khách của những ông bà chủ năng động ở TP.HCM. Bởi để sống sót và phát đạt ở một thành phố chen chúc hàng quán, họ buộc phải có lối tư duy khác thường.
Thót tim
Chúng tôi ghé Âm Ty Quán, số 593D Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận vào khoảng 14g giờ. Quán khá vắng khách. Riêng ba món “gây bão... lòng” thực khách tuổi teen, được viết nắn nót lên tấm bảng bằng kính, đặt ngay trước cổng, phía bên phải. Lướt mắt qua, đã nghe lành lạnh sống lưng: “Trà sữa nghĩa địa, ngũ cốc hài cốt, bánh tráng cúng”. Toàn những cái tên nặng âm khí. Lối lên gác để chụp hình lưu niệm, tối đen như đêm ba mươi. Dụi mắt vài bận, tôi mới thấy một bóng trắng mờ mờ dựa sát tường. Nào ngờ, vừa đặt bàn chân thuận lên mặt cầu thang gỗ, bóng trắng đó bỗng bật dậy, giơ thẳng hai tay ra trước như cương thi, miệng “hù” rõ to.
Giật mình, tôi cũng hét lớn không kém, đồng thời theo phản xạ hai tay tôi chụp trả lại vào mặt nó. “Ui da! Đau em anh ơi!”, tiếng con ma nhỏ than thật tội nghiệp. Lúc này, nó mới cởi bỏ bộ tóc giả dài bù xù với cái áo choàng trắng ra, nhe răng cười hồn nhiên: “Em tên Quang. Mọi người kêu là con ma mập vui tính, kiêm gác lối vào âm ty và hướng dẫn khách tham quan”.
Phòng chụp hình tự sướng với quán (check in) còn thâm u và rợn sống lưng hơn. Nghe râm ran tiếng tụng kinh cầu siêu, phát ra từ chiếc máy MP3, với lờ mờ một hình nộm nhợt nhạt đang nằm chờ làm thủ tục nhập cảnh vào cõi âm.
Sát vách tường trước mặt, có kệ gỗ đặt tượng Phật uy linh, trên phông nền xám đen.Xuống thấp nữa, thấy một ngọn đèn điện vàng leo lét tỏa luồng ánh sáng trắng mờ, không đủ soi rõ cái linh vị (giả) đứng cạnh.
Ngoảnh lại bức tường phía sau lưng, có khá nhiều thố sành thật và hình vẽ (cũng thố sành) được sắp xếp ngăn nắp trên kệ. Hình dáng những cái thố này trông khá giống thố tiềm mắt cá ngừ đại dương. Nhìn kỹ hơn, mới nhận ra chúng khác nhau ở hoa văn. Dĩ nhiên, bên trong thố không chứa gì, song nó dễ gợi liên tưởng đến... một nhúm “gốc” của người đã khuất.
Và nói chung, những ai có tiền sử bệnh tim hoặc “trùm” sợ ma, thử ở chơi trong phòng này cỡ mười lăm phút thôi, sẽ rất dễ nhập viện. Mặc dù vậy, con ma mập tên Quang đứng cạnh cứ nài nỉ: “Chụp hình check in với quán đi anh, lần sau ghé lại sẽ được giảm 20%”.
Rảo bước sang phòng bên cạnh, đã thấy mờ mờ một đôi tình nhân đang nép sát vào nhau và một thanh niên ngồi lẻ loi trong góc vắng. Hỏi con ma vui tính đi cùng, ở đây món nước nào bán chạy nhất, nó đáp ngay: “Dạ, trà sữa nghĩa địa” (49.000 đồng/ly).
Dưới ánh đèn neon đỏ hồng, ly trà sữa hình đầu lâu đang lành lạnh (do nước đá tươm ra) cũng trở nên đỏ đục, trông rờn rợn làm sao. Rón rén hút vào thì thật thất vọng. Cả bộ ba: nước trà, sữa, hạt trân châu đều không có gì đặc biệt. Tệ hơn, mỗi nguyên liệu chơi vơi một nẻo. Theo nhận xét của bạn Phạm Thanh Tuấn ở quận Bình Thạnh, vị khách ngồi một mình vừa kể, hương vị ngụm trà sữa ở đây chưa thật xuất sắc so với một vài quán gần khu chợ Bà Chiểu, giá lại cao hơn mấy chỗ khác khoảng 10.000 đồng/ly. Còn em Lê Diễm Quỳnh, học sinh lớp 9 ở quận Phú Nhuận, nghĩ khác: “Chính không gian ma quỷ của quán mới hấp dẫn... phát sợ luôn!”. Quỳnh cùng nhóm bạn của mình thường ghé lại đây vào các tối thứ Bảy, để tham gia trò chơi ma sói. Chưa hết, vẫn còn quán ăn khác ghê rợn không kém.
Ấm áp
Biệt danh của quán do chính thực khách đặt: “Lẩu bò nghĩa địa”, ở 948/6/1 Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Anh Nguyễn Văn Sáu, chủ tiệm tạp hóa gần đó cho biết, hầu như ngày nào quán cũng đông khách. Quán có khoảng 15 bàn, nhưng có hôm lượng khách mua mang về đông hơn ăn tại chỗ. Khách chủ yếu gồm thợ hồ, tài xế xe ôm, học sinh, sinh viên. “Gọi nghĩa địa nghe có vẻ ghê rợn, chứ thật ra toàn là mồ mả người thân của ba gia đình ruột thịt chủ quán. Chung đất, chung ông bà nên họ dành riêng một khu chôn cất người đã khuất. Cả người sống lẫn người chết đều hiền khô hà!”, anh Sáu vừa đi bộ tập thể dục buổi tối về ngang quán, cởi mở.
Gặp thổ địa tốt, người viết cố mời anh Sáu tấp vô quán giao lưu vài ly bia, mong có thể hỏi thêm ít tình tiết ly kỳ. Song, anh khoát tay từ chối. Bởi vì, hai hôm trước vợ chồng anh Sáu cũng đã ghé ăn chỗ này. “Nồi lẩu 150.000 đồng, vợ chồng tôi ăn no tới hai cữ (tối và sáng) luôn!”, anh cười toe toét kể.
Bốn giờ chiều, bãi đậu xe hai bánh dành cho khách vào quán cạnh nghĩa địa um tùm cỏ dại, còn trống không. Lối vào quán là một con hẻm cụt, chiều ngang gần 3m. Đặc biệt, có hai ngôi mộ đá đứng song song im lìm hai bên đường, như những bảo vệ thầm lặng. Lác đác, vài ba chiếc xe gắn máy giảm ga, bò chầm chậm vào tìm chủ quán mua lẩu mang về.
Chúng tôi đặt một bàn gần chỗ để hơn 20 cái bếp than cũ kỹ, và xin được ngồi chờ. Thế nhưng chị Hoa, chủ quán lắc đầu nói: “Lệ ở đây, chưa dọn bán mở hàng (từ 17g) thì chưa cho khách ngồi”.
Thật ra, người viết muốn có một khoảng lặng, thong dong ngồi ngắm những tia lửa sáng hồng bắn tung tóe tựa pháo bông, lúc phụ bếp mồi than (dùng quạt máy thổi phụ trợ). Hàng quán còn sử dụng bếp than “cổ lổ” để đun lẩu/cháo ở TP.HCM, đếm chưa giáp một bàn tay. Với trải nghiệm ẩm thực của mình, tôi tin chắc còn lại hai quán: lẩu cù lao đầu cá gộc ở quận 5 và quán này.
Lợi trước mắt, sờ mó được là nó giúp sưởi ấm làn da ớn lạnh của thực khách đang quây quần bên nồi lẩu bò thập cẩm. Còn cái lợi vô hình khác, cực kỳ quan trọng, chính ánh sáng hồng phấn - nóng hừng hực nơi bếp than cũ kỹ ấy - soi rọi, tỏa sáng cả “chuyến đò quê hương”, với dân ngụ cư đầy ắp ký ức thôn quê. Nói vậy không có nghĩa thực khách đến đây toàn những khuôn mặt rầu rĩ. Chẳng hạn, thầy giáo dạy tiếng Anh, Phạm Văn Quang (ở một trường cấp ba khu Giồng Ông Tố, quận 2), đã mời sáu người bạn sinh viên châu Âu đến thưởng thức muỗng nước lẩu bò sát nghĩa địa. Thầy Quang vung tay thuyết giảng: “Không ít người tin rằng, linh hồn những người thân đã khuất, vẫn sớm hôm kề cận phù hộ con cháu họ”.
Nghe thấm thía đến nổi da gà! Và bỗng dưng, muỗng nước lẩu bình dân ở đây, trở nên thật đậm đà hương vị.
Bài & ảnh: Tạ Tri
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lanh-lung-nhung-am-bung-21658.html