Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

Tăng mức xử phạt các vi phạm cá nhân trên thị trường chứng khoán, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi với quyết tâm làm cho thị trường chứng khoán (TTCK) lành mạnh hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng phạt để tăng răn đe

Theo tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế đảm bảo thực thi pháp luật trên TTCK.

Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời trên cơ sở rà soát đảm bảo phù hợp với các luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông...), Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung quy định một số quyền của UBCKNN như:

Thứ nhất, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

Thứ hai, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK theo quy định trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin của pháp luật về các tổ chức tín dụng;

Thứ ba, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm (Điều 128).

Đồng thời, để bảo đảm việc xử lý vi phạm đạt hiệu quả, tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, Dự thảo Luật bổ sung quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý: Đình chỉ hoạt động, đình chỉ giao dịch có thời hạn; Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chứng chỉ hành nghề; Cấm chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn có thời hạn; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có thời hạn hoặc vĩnh viễn; cấm tham gia các hoạt động về chứng khoán và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn (Điều 130).

Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính từ 2 tỷ lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 1 tỷ lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Theo dữ liệu hiện hành, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của TTCK, đòi hỏi cần có cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh để áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, chế tài và mức xử phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm, bảo đảm tính răn đe của pháp luật và phù hợp với quy mô thị trường.

Theo giải trình của Bộ Tài chính, mức phạt này đã được xem xét tính đến biến động trượt giá theo tỷ lệ lạm phát bình quân trong 10 năm (5%/năm x 10 năm), tuy nhiên, nếu xét về quy mô vốn hóa thị trường thì đến tháng 11/2018 đã gấp gần 18 lần so với năm 2006.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho rằng, do đặc thù của lĩnh vực chứng khoán là liên quan đến tài chính, mức vi phạm khá lớn, nên ban soạn thảo đề xuất mức phạt đặc thù lên đến 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức.

Đánh giá đây là mức phạt tương đối phù hợp, có cân đối với các quy định của Bộ luật Hình sự, song ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng cho rằng chưa đủ sức răn đe nên đã bổ sung nội dung hình phạt mới là tịch thu khoản thu lời bất chính.

Dù đây là quy định mới và khó, song theo Chủ tịch UBCKNN, ban soạn thảo đề xuất đưa nguyên tắc này vào luật để nghiên cứu, quy định sau. Thông thường ở nhiều nước, khi xác định mức thu lời bất chính thì họ quy định phạt gấp đôi. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam, sau khi rà soát kỹ, ban soạn thảo dự kiến chỉ đưa quy định tịch thu toàn bộ mức thu lời bất chính.

Chặn thao túng giá

Thực tế cũng chỉ ra trong thời gian qua không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phải cay đắng vì bị thiệt hại nặng nề từ hoạt động “làm giá”, “thao túng” giá cổ phiếu. Trong khi đó, việc giám sát TTCK để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm lại vô cùng khó khăn.

Tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, đòi hỏi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh, chế tài và mức xử phạt phải bảo đảm tính răn đe.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN năm 2019 là nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thao túng, nội gián, hành vi gian lận, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trên TTCK, nhất là các vụ việc liên quan đến các hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Theo Hồ Hương/daidoanket.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/lanh-manh-hoa-thi-truong-chung-khoan-306264.html