Lành mạnh hóa thị trường tài chính là 'chìa khóa' tháo gỡ vướng mắc
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, thị trường tài chính trong nước đang tồn tại những rủi ro và khả năng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong năm 2023 và sau đó.
Thị trường tài chính tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng và điều tiết vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường này đang tồn tại những rủi ro và khả năng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong năm 2023 và sau đó.
Do vậy, chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” là một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức,” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức, ngày 17/12.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong năm 2022 ghi nhận những kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) dự báo cả năm tăng khoảng 10% so với năm trước đồng thời hoạt động tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15-16%. Trên cơ sở đó, tăng trưởng GDP trong năm ước đạt khoảng 8% đồng thời lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt một số thách thức, khi môi trường quốc tế đang kém thuận lợi hơn. Các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ. Điều này làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Trong nước, công tác giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 diễn ra chậm. Thêm vào đó, áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất tăng cao vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.
Trên thị trường tài chính, ông Lực dự báo nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới và những rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa “hạ nhiệt” rõ rệt, trong khi đó thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
Cụ thể hơn, bà Vũ Thị Trân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước. Trong năm 2022, thị trường đã trải qua nhiều biến động với xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng Tư, song đã có những nhịp phục hồi vào tháng Năm và tháng Tám và cuối tháng 11 đến nay.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bà Phương chia sẻ khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua, tính đến ngày 25/11, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 331.800 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý kế tiếp.
Theo bà Phương, thị trường trái phiếu thời gian qua có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý cũng như việc một số phương tiện đưa tin không chính thống về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
“Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ. Thêm vào đó, thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn,” bà Phương nói.
Nhấn mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả nhằm huy động nguồn lực trong dân cho phát triển doanh nghiệp và kinh tế. Song, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cho rằng thị trường này đang có nhiều thách thứ do một số doanh nghiệp vi phạm trong việc huy động và kinh doanh trái phiếu.
Lành mạnh hóa thị trường tài chính
Theo ông Lực, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, nhưng vẫn đứng ở mức khá vào khoảng 6-6,5% (kịch bản cơ sở). Về lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022.
Do đó, ông Lực đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Từ việc nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, ông Lực kiến nghị sửa đổi Nghị định 128/2021/ND-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức) vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng.
Trên thị trường chứng khoán, theo ông Lực cơ quan quản lý cầu sớm ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường đồng thời nhiên cứu sửa đổi một số tiêu chí của VN30 đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường.
Đặc biệt, ông Lực cho rằng trong hoạt động truyền thông cần chú ý đưa thông tin chính xác về chính sách và tình hình kinh tế vĩ mô - thị trường, tránh xu hướng “tô hồng” cũng như đồn đại thông tin chưa chính thức vì điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, niềm tin người dân và nhà đầu tư.
Với mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu bền vững, ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh mọi giải pháp cần xuất phát từ sự chủ động minh bạch của doanh nghiệp và các định chế trung gian liên quan.
Theo ông Thuân, hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp là theo nguyên tắc tự vay tự trả và là mối quan hệ dân sự, do đó các doanh nghiệp nên chủ động đánh giá khả năng trả nợ, minh bạch cho nhà đầu tư và có các biện pháp phù hợp, bao gồm tái cấu trúc qua việc giãn, hoãn nợ với các điều khoản mới.
“Minh bạch là chìa khóa của mọi giải pháp. Các giải pháp ngắn hạn nhằm khôi phục niềm tin thị trường và duy trì kênh vốn, bao gồm liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao, đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ.
Về trung dài hạn, tiếp tục hoàn thiện nền tảng thị trường theo 3 nhóm giải pháp: Chuẩn hóa chất lượng cung hàng, hạ tầng trung gian về giao dịch và minh bạch thông tin; mở rộng cơ sở nhà đầu tư định chế; lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế,” ông Thuân nói.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Phương cho biết trong thời gian tới, Ủy ban sẽ rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng, đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường.
“Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, từ đó phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường trong nước cũng như có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có),” bà Phương nói./.