Lào Cai: Cần lập ngân hàng dữ liệu về địa danh khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính

Những địa danh ở Lào Cai mang dấu ấn của văn hóa, di tích lịch sử, những điểm du lịch nổi tiếng được người dân trong nước và quốc tế, vì vậy khi hợp nhất các địa phương cần có biện pháp bảo vệ các địa danh nhất là địa danh cổ.

 Đỉnh Phanxipang - "nóc nhà Đông Dương" ở tỉnh Lào Cai

Đỉnh Phanxipang - "nóc nhà Đông Dương" ở tỉnh Lào Cai

Từng có nhiều năm gắn bó công tác và nghiên cứu ở Lào Cai, trước chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính ở địa phương, TS. Trần Hữu Sơn (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai) đã có cuộc trao đổi với PV Báo PNVN xoay quanh chủ đề liên quan lưu giữ địa danh sau sáp nhập.

PV: Thưa TS. Trần Hữu Sơn, địa danh ở Lào Cai có ý nghĩa như thế nào về khía cạnh văn hóa, lịch sử?

TS. Trần Hữu Sơn: Địa danh là tên các đơn vị hành chính, tên núi, tên sông, tên các làng bản... là di sản quý báu của thế hệ đi trước trao truyền cho thế hệ sau. Địa danh mang dấu ấn của lịch sử, có tên địa danh được hình thành cách ngày nay vài trăm năm, nghìn năm, như: Thủy Vỹ, Bảo Thắng, Mường Hoa, Nghĩa Đô, Văn Bàn, Bảo Hà…

Trong đó có những địa danh trở thành những di tích lịch sử, những điểm du lịch nổi tiếng được người dân trong nước và quốc tế thường xuyên sử dụng, tìm kiếm như: Sa Pa, Bắc Hà, Ý Tý, Mường Hum…, trở thành di sản văn hóa nhưng có điểm nổi bật là trở thành thương hiệu của điểm đến du lịch.

TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai

TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai

Có những địa danh gắn liền với các di tích lịch sử như Cam Đường, Nhạc Sơn, Bảo Hà (Trấn Hà), Vạn Hòa, Phố Ràng.

Ngoài ra còn có những địa danh gắn với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nhưng phản ánh các núi, sông, suối như: sông Chảy, ngòi Lao, ngòi Đum, ngòi Bo, ngòi Nhù,... núi Cô Tiên, núi Con Voi, núi Hoàng Liên.

Khi hợp nhất các địa phương thì không tránh khỏi một số tên địa danh huyện, xã sẽ bị mất, vì vậy cần phải có biện pháp bảo vệ, lưu giữ.

PV: Xét về lĩnh vực kinh tế du lịch, theo ông, các địa danh ở Lào Cai đóng vai trò như thế nào?

TS. Trần Hữu Sơn: Đối với Lào Cai, một số địa danh không chỉ còn là tên gọi thông thường, nó trở thành những thương hiệu phát triển kinh tế du lịch vô cùng quan trọng, trở thành tài sản, nguồn lực và di sản vô giá mà không nhiều nơi ở Việt Nam có được.

Điển hình như địa danh Sa Pa, xuất phát từ tiếng Quan thoại Sa Pả có nghĩa là "bãi cát". Khi người Pháp lên Sa Pa thì gọi vùng Chapa. Vì vậy Sa Pa được đặt tên chung cho cả xã, thị trấn, huyện cũng như thị xã Sa Pa bây giờ. Nhưng Sa Pa là trung tâm du lịch được hình thành từ đầu thế kỷ 20 - điểm du lịch sớm nhất ở Đông Dương.

Vì vậy, khi nói đến du lịch Lào Cai là phải nói đến Sa Pa. Ngày nay, du lịch Sa Pa càng phát triển. Địa danh Sa Pa là địa danh được tìm kiếm nhiều nhất trên google, thậm chí nhiều du khách không biết tỉnh Lào Cai nhưng lại biết rất rõ về Sa Pa.

Có thể nhận định địa danh Sa Pa không chỉ còn là địa danh nổi tiếng mà thực sự là một biểu tượng của nền kinh tế di sản. Nhưng vượt lên tất cả, địa danh Sa Pa là địa danh của sự đa dạng văn hóa dân tộc, là địa danh của sự thành công và thịnh vượng.

Địa danh Sa Pa trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng ở Lào Cai

Địa danh Sa Pa trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng ở Lào Cai

Tôi cho rằng Lào Cai sẽ giữ tên gọi địa danh Sa Pa, nhưng cũng cần thiết phải giữ các địa danh gắn với các điểm tuyến du lịch kết nối với Sa Pa, chẳng hạn như Sa Pa - Tả Phìn; Sa Pa - Lao Cai; Sa Pa - Tả Giảng Phình…, đây không chỉ là địa danh tên gọi hành chính, còn là đia danh du lịch rất quan trọng góp phần làm nên thương hiệu cho địa phương.

PV: Với những tên địa danh có thể bị mất đi sau sáp nhập, vậy theo ông cần phải có biện pháp lưu giữ như thế nào?

TS. Trần Hữu Sơn: Tìm hiểu bảng thông báo tên xã, phường của Lào Cai công bố sau sáp nhập đã thấy cơ quan đặt tên địa danh hành chính còn lưu giữ được khá nhiều địa danh quan trọng. Nhưng vì số xã, phường sau sáp nhập không nhiều mà địa danh lại rất nhiều.

Vì vậy tôi cho rằng ngành Văn hóa Thể thao Du lịch Lào Cai cần xây dựng ngân hàng dữ liệu về địa danh. Sau này, việc đặt tên các thôn bản, tổ dân phố, cây cầu, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa... cần sử dụng các địa danh này. Bởi địa danh là vốn quý của tổ tiên truyền lại, là "thẻ căn cước lịch sử", là mã định danh văn hóa cần thiết phải giữ gìn bảo vệ.

Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 60 về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Nghị quyết, thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 153 xã, phường, thị trấn, xuống còn 48 xã, phường (trong đó gồm 3 phường và 45 xã), tên gọi và trung tâm chính trị hành chính của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Trong đó, huyện Bảo Thắng còn 5 xã; thành phố Lào Cai 4 xã, phường (2 xã, 2 phường); Bát Xát 7 xã; Bảo Yên 6 xã; Văn Bàn 8 xã; thị xã Sa Pa 6 xã, phường; Bắc Hà 6 xã; Si Ma Cai 2 xã và Mường Khương 4 xã.

Tỉ lệ giảm cấp xã của tỉnh Lào Cai đạt 68,22%.

Hoàng Sa (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lao-cai-can-lap-ngan-hang-du-lieu-dia-danh-dat-ten-cho-thon-ban-truong-hoc-20250420082455937.htm