Lào Cai: Chuyển động từ người đứng đầu ngành giáo dục thành phố biên cương
Một trong những người tiên phong áp dụng mô hình Trường tiểu học Việt Nam mới của tỉnh Lào Cai là Nhà giáo Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố biên cương Lào Cai. Nhà giáo này đã chỉ đạo thành công bước đầu biến các mô hình, phong trào thành những con số cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Với những đóng góp đó, Nhà giáo Trần Thị Thùy Dung đã vinh dự được nhận giải thưởng “Công chúa Thái Lan” - một giải thưởng danh giá dành cho các thầy, cô giáo có nhiều đóng góp cho giáo dục.
Nhà giáo Trần Thị Thùy Dung - Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai
Ra trường vào năm 1997, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung đem ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ lên công tác và cống hiến tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong những năm tháng bám trường, bám bản, bằng tình yêu nghề và ngọn lửa nhiệt huyết của mình, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung luôn yêu thương học sinh như con, có nhiều cống hiến cho ngành Giáo dục và đã được tin tưởng, giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của ngành như: Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát; Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bát Xát; Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tuyển 2, thành phố Lào Cai; Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai; Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai và hiện tại đang đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai.
Luôn canh cánh trong lòng khát vọng đưa giáo dục Lào Cai trở thành điểm sáng về giáo dục của các tỉnh miền núi phía Bắc, tiến gần hơn với giáo dục của các thành phố lớn; đồng thời kéo gần khoảng cách địa lý, giao lưu, học hỏi với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung đã phát động “Mô hình 3-2-1” (Mỗi nhà giáo tối thiểu cần kết nối với 3 trường trong tỉnh, 2 trường ngoài tỉnh và 1 trường nước ngoài). Đây là mô hình phù hợp với xu thế phát triển chung của giáo dục hiện đại và toàn cầu, thúc đấy hợp tác Quốc tế, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh và giáo viên.
Mô hình này được 100% giáo viên và học sinh trên toàn ngành giáo dục thành phố Lào Cai đón nhận và thực hiện hiệu quả. Những tiết học kết nối được xuất phát từ nhu cầu cần thiết xuất hiện trong các nội dung dạy và học: Khi học về “Làng nghề truyền thống”, ngay lập tức học sinh được kết nối với các trường trong và ngoài tỉnh để chia sẻ, tìm hiểu các làng nghề của địa phương; khi học tiếng Anh theo chủ đề ngày Tết, nhờ sự kết nối với các trường học Quốc Tế như: Singapore; Thái Lan; Anh; Đức; Ấn Độ… học sinh vừa được giới thiệu các hoạt động truyền thống về ngày Tết của Việt Nam vừa được nghe các bạn giới thiệu về các hoạt động trong ngày Tết của các nước trên thế giới.
Tiết học kết nối Quốc tế của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ
Nhìn những khuôn mặt học trò hồ hởi, tự hào khi kể về những phong tục truyền thống của quê hương mình bằng tiếng Anh với bạn bè năm Châu, ai cũng thầm cảm ơn “Người sáng tạo” đã mạnh dạn đưa ra một mô hình hiệu quả và thức thời, giúp học sinh Lào Cai tạo ra được hình ảnh đẹp, tự tin trong xu thế hội nhập. Đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên tham gia mô hình là 1.865 với 1.962 tiết dạy kết nối Quốc tế; 2.041 tiết dạy kết nối ngoài tỉnh và nhiều tiết dạy kết nối trong tỉnh. Từ những hiệu quả ban đầu, “Mô hình 3-2-1” đã được các trường trong và ngoài tỉnh biết đến và học tập, áp dụng.
Với mong muốn, ngày càng có nhiều nhân tài, khuyến khích những sáng kiến hữu ích phục vụ trực tiếp cho công tác quản lí, dạy và học; tổ chức nhiều sự kiện bổ ích cho học trò và đội ngũ; đồng thời phủ xanh các trường học, nâng cao sức khỏe của học sinh qua các môn thể thao yêu thích, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung đã phát động thực hiện “Mô hình 2-1;2-1” với phương châm: Trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau. “Mô hình 2-1; 2-1” là khuyến khích mỗi cá nhân trong sự nghiệp giáo dục thành phố thực hiện 2 sáng kiến, 1 sự kiện; 2 cây xanh, 1 môn thể thao.
Trong thời điểm toàn ngành giáo dục thành phố Lào Cai cần thật nhiều những hiến kế sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ một cách suất xắc nhất với những cách thức và con đường hiệu quả nhất thì mô hình 2 sáng kiến, 1 sự kiện thật sự cần thiết, góp phần thúc đẩy và ghi nhận kịp thời những sáng kiến hay trong công tác quản lí, tổ chức các hoạt động dạy và học góp phần đem lại chất lượng dạy học hiệu quả nhất, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh.
Song song với việc phát động mô hình, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung còn được biết đến với nhiều sáng kiến. Năm học 2021 - 2022, nhà giáo có 1 sáng kiến về “Các biện pháp quản lý, chỉ đạo thực hiện khung năng lực Xây dựng hình ảnh học sinh thành phố Lào Cai: Văn minh - hội nhập - công dân số trên địa bàn các trường tiểu học” được công nhận Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và trên địa bàn tỉnh. Năm học 2022 - 2023, sáng kiến “Giải pháp tiếp cận thu thập thông tin xây dựng cuốn lịch sử ngành” đã được công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp cơ sở và đề xuất sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh.
Trong năm học, nhiều sự kiện bổ ích cũng được tổ chức cho học sinh và giáo viên, như: cuộc thi violympic Fansipan các môn học; Trại hè tiếng Anh; Khai bút đầu Xuân; Đêm nhạc “Khát vọng người thầy”; giải bóng chuyền hơi…Những sự kiện ấy không những góp phần củng cố, khắc sâu, vận dụng kiến thức đã học cho học sinh mà còn là một món quà về tinh thần to lớn, giải tỏa những áp lực trong học tập và công việc, tạo ra nguồn năng lượng tích cực để phấn đấu học tập và làm việc.
Phong trào thể thao cũng được lan tỏa rộng khắp, tại các tổ chức công đoàn cơ sở, cán bộ giáo viên, học sinh vui vẻ đăng kí tham gia 1 đến 2 môn thể thao mình yêu thích vào các buổi chiều. Những con số như: Trồng mới 2023 cây xanh; có 419 sáng kiến được công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp sơ sở, 35 sáng kiến đề xuất sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh; trung bình trong một trường có 1 sự kiện/2 tuần học; 100% cán bộ, giáo viên và học sinh luyện tập thể dục thể thao là những minh chứng thuyết phục nhất phản ảnh sự thành công của mô hình.
Gian hàng sách 0 đồng tại Ngày Sách Việt Nam
Bên cạnh đó, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung đã phát động mô hình 1-1-1: mỗi ngày đọc ít nhất 1 trang sách, mỗi tuần đọc ít nhất 1 tác phẩm, mỗi tháng đọc ít nhất 1 quyển sách góp phần chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc. Từ mô hình ấy, các nhà trường đã vận dụng khéo léo vào các hoạt động thư viện, các thư viện mở, tủ sách di động, mời thư viện tỉnh phục vụ tại các nhà trường đã được phát triển mạnh mẽ. Nhờ tích cực thực hiện mô hình, trong các cuộc thi Kể chuyện cấp tỉnh; Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh, có 15 học sinh của thành phố đạt giải.
Bằng tình yêu và sự đam mê; bằng trí tuệ và tinh thần sáng tạo, nhà giáo Trần Thị Thùy Dung luôn tư duy độc lập và quyết đoán trong hành động để xây dựng các mô hình thiết thực, góp phần đưa giáo dục thành phố Lào Cai là điểm sáng của giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc. 3-2-1; 2-1, 2-1; 1-1-1 là những con số biết nói thể hiện Tâm - Tài - Đức của “Một người thuyền trưởng sáng tạo”.