Lào Cai có nhiều trụ cột để phát huy năng lực hội nhập kinh tế quốc tế

Lào Cai đã, đang cải thiện năng lực hội nhập kinh tế quốc tế với những hướng đi phù hợp và dần chuyển hóa thành công những lợi thế thành nguồn lực phát triển.

Phát biểu tham luận tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế cho biết, quá trình tích cực chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua không thể thành công nếu không có sự nỗ lực đóng góp của các Bộ ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, mức độ hội nhập của các địa phương không đồng đều, có những địa phương tận dụng rất tốt các cơ hội của hội nhập nhưng có những địa phương tham gia vào hội nhập còn hạn chế. Điều này phụ thuộc vào năng lực hội nhập của mỗi địa phương và năng lực hội nhập lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế phát biểu tham luận tại buổi làm việc

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế phát biểu tham luận tại buổi làm việc

Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO do Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế (nay là Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) chủ trì triển khai, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) và Bộ phát triển quốc tế Anh (DfID) đã nghiên cứu và phân tích năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương trên cơ sở 8 nhóm tiêu chí, gọi là 8 trụ cột, bao gồm: Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Văn hóa, Đặc điểm tự nhiên địa phương, Con người, Thương mại, Đầu tư, Du lịch.

Đối với tỉnh Lào Cai, qua nghiên cứu, phân tích các chuyên gia đã đưa ra một số kết luận liên quan đến tám trụ cột cấu thành năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cai. Theo đó, nếu so sánh vào thời điểm 7 năm trước đây, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cao thuộc thứ hạng cao so với các tỉnh vùng Tây Bắc nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, có thể thấy Lào Cai đã và đang cải thiện năng lực hội nhập kinh tế quốc tế rất tốt với những hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương và dần dần chuyển hóa thành công những lợi thế của mình trở thành nguồn hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, dựa trên tám trụ cột hội nhập kinh tế quốc tế, có thể thấy Lào Cai có nhiều trụ cột có thể phát huy được thế mạnh, nổi bật là:

Về trụ cột đặc điểm địa phương, Lào Cai có vị trí địa chiến lược rất tốt, có trên 182km đường biên giới với Trung Quốc cùng hệ thống cửa khẩu đa dạng ở nhiều vị trí và quy mô khác nhau, thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu, biên mậu và quan hệ đối ngoại.

Đây chính là điều kiện để Lào Cai có thể phát triển thành trung tâm logistic lớn của Việt Nam và các nước ASEAN, trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam-Trung Quốc…

Trong quá trình này, cần đặc biệt lưu ý, hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước ASEAN đã ký kết tới 8 FTA. Các FTA này đang đưa lại rất nhiều cơ hội trong trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các bên nhờ việc cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư.

“Việc khai thác tốt các FTA sẽ tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc về thị trường hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất, đồng thời có thể kêu gọi được đầu tư từ các đối tác nước ngoài...” - ông Trịnh Minh Anh thông tin và nhấn mạnh, trong bối cảnh Lào Cai đang đặt mục tiêu tới thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai, rất cần khai thác các cơ hội từ các FTA này trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistic, hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật... qua đó phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên cần lưu ý, ở gần đối tác lớn là Trung Quốc thì vấn đề cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn. Thực tế, xét cả về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp, Lào Cai đều kém phát triển và ít lợi thế hơn so với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thị trường Lào Cai sẽ bị “lấn át” do khả năng cạnh tranh thấp và do đó các doanh nghiệp trong tỉnh có nguy cơ bị mất dần thị trường của mình.

Vì vậy, để phát triển, Lào Cai cần tăng cường kết nối thị trường địa phương với thị trường cả nước, trước hết là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và địa bàn kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của tỉnh. Trong bối cảnh hội nhập, các địa phương càng cần phải tăng cường liên kết với nhau để nâng cao sức mạnh tổng thể, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé.

Về trụ cột du lịch và trụ cột văn hóa. Đây là lợi thế nổi bật của Lào Cai mà không phải địa phương nào cũng có được. 10 năm cách đây, trụ cột du lịch và văn hóa của Lào Cai ở mức thấp so với các địa phương trong cả nước (đứng thứ 10/62) nhưng hiện nay Lào Cai đã khai thác khá tốt lĩnh vực này, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch của cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thương mại và du lịch có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Cần phát huy thế mạnh về du lịch để một mặt phát triển du lịch, mặt khác phát triển thương mại địa phương, đưa hình ảnh của Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó kết nối, mở rộng giao thương, thu hút đầu tư quốc tế. Mặc dù Lào Cai có lợi thế về khoáng sản nhưng phát triển thương mại dịch vụ gắn với du lịch mới là hướng đi bền vững.

Liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã nhận được các báo cáo hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cai rất đầy đủ, qua đó nhận thấy công tác hội nhập đã được tỉnh ủy, các sở ban ngành, đặc biệt là Sở Công Thương quan tâm sâu sát.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã nhận được một số kiến nghị cụ thể của Lào Cai trong đó có việc “Tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai các nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế, trao đổi, chia sẻ thông tin tài liệu về hội nhập quốc tế; định hướng, hỗ trợ địa phương tổ chức thực thi các hiệp định, cam kết quốc tế; hỗ trợ địa phương triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; làm cầu nối vận động chương trình dự án, viện trợ, hợp tác quốc tế từ cơ quan, tổ chức, đối tác nước ngoài, hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong việc mở các buổi tọa đàm, hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các đối tượng cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Về vấn đề này, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế luôn sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế về các FTA.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-cai-co-nhieu-tru-cot-de-phat-huy-nang-luc-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-342499.html