Lào Cai hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư
Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện phương thức 'hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư', có nghĩa là người dân trồng rừng trước, Nhà nước nghiệm thu và chi trả tiền hỗ trợ theo kết quả thực tế rừng đã trồng. Nhờ vậy, diện tích rừng trồng thực chất, tỷ lệ cây sống cao, việc hỗ trợ tiền của Nhà nước đúng đối tượng, giúp người dân trồng rừng hiệu quả, tăng nhanh tỷ lệ tán che phủ ở địa phương.
Lợi ích kép từ hai phía
Chúng tôi đến thôn Bông 2, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên chứng kiến những đồi quế hơn một tuổi, tỷ lệ sống 100%, đang ken lá xanh mướt dưới bóng xoan đào trồng thưa để chống nóng và trồng xen với ngô, sắn của gia đình ông Trần Hữu Xương, người dân tộc Dao đỏ. Dừng tay vun đất vào gốc quế, ông Xương tâm sự: “Đất rừng sản xuất Nhà nước giao cho mình, trồng quế thì được hưởng toàn bộ sản phẩm nên gia đình bỏ tiền mua giống, bỏ công trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật cán bộ kiểm lâm hướng dẫn: Vì thế rừng quế xanh tốt, tỷ lệ cây sống đạt cao, gia đình mình có rừng quế để thu hoạch lâu dài, lại được Nhà nước hỗ trợ tiền nên rất phấn khởi”. Gia đình ông Xương trồng được hơn năm héc-ta quế trên diện tích đất lâm nghiệp dành cho rừng sản xuất theo quy hoạch của huyện, tỉnh.
Khác với trước đây, từ năm 2016, huyện Bảo Yên thay đổi cách thức hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất từ trả tiền trước sang trả sau, khi cây trồng được nghiệm thu tại vườn, nương, đồi của người dân, đạt tiêu chuẩn thì mới trả tiền hỗ trợ. Theo cách này, thay vì cấp phát giống cho người dân thì hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng có đất quy hoạch là rừng sản xuất tự mua giống và trồng rừng. Sau khi rừng trồng được ngành chuyên môn bao gồm Ban quản lý rừng 661, kiểm lâm, phòng nông nghiệp huyện và chính quyền xã nghiệm thu tại thực địa thì chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người trồng rừng theo quy định. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Yên Hà Quang Kim khẳng định, cách làm này mang lại “lợi kép”, đó là khuyến khích người dân chủ động đầu tư phát triển kinh tế rừng, giống như “khoán 10” trong nông nghiệp, giao quyền tự chủ cho người dân trồng rừng, từ khâu giống, thời gian trồng, chăm sóc, thu lợi, bảo đảm đúng diện tích, tỷ lệ cây sống cao, chất lượng rừng tốt hơn. Trong hai năm qua, huyện Bảo Yên đã chi trả hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ dân, để trồng gần 9.000 ha rừng, bảo đảm chất lượng, nâng tỷ lệ che phủ đạt 57%, cao thứ hai trong toàn tỉnh.
Ở huyện Bảo Thắng, được coi là vùng trọng điểm nông - lâm nghiệp của tỉnh Lào Cai, chúng tôi gặp nhiều hộ dân ở các xã Xuân Quang, Trì Quang, Phong Hải, Bản Cầm, Sơn Hải… trồng rừng theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư đã đạt kết quả tốt. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Thắng Phạm Văn Tuấn cho biết, phương thức hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư gồm bốn bước: Người dân đăng ký trồng rừng với chính quyền xã, sau đó Ban quản lý dự án rừng phòng hộ (chủ đầu tư) thực hiện thiết kế, Hạt kiểm lâm địa phương thẩm định thiết kế, cuối cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phê duyệt kế hoạch trồng rừng và giao cho người dân thực hiện trồng rừng. Quy trình nghiệm thu chặt chẽ, gồm các bước: Ban quản lý rừng phòng hộ đến thực địa đo đạc, kiểm đếm diện tích, chủng loại, mật độ cây sống; tiếp đó, UBND huyện lập Tổ công tác gồm cán bộ Hạt kiểm lâm và Phòng NN và PTNT tiến hành phúc tra kết quả rừng trồng và ra quyết định phê duyệt kết quả rừng trồng; cuối cùng là tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo mức quy định. Tại huyện Bảo Thắng, từ năm 2017 đến nay đã có 749 hộ nhận trồng rừng được 800 ha quế, keo và các loại cây khác; nhờ vậy, tỷ lệ tán che phủ tăng lên, đạt 55,1%. Nhờ khai thác gỗ rừng trồng để cung cấp nguyên liệu cho các xưởng bóc gỗ, sản xuất ván ép hoặc gỗ dăm từ nhiều loại cây gỗ khác nhau, kích cỡ không cần lớn, nên đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu đã khá lên, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng rừng sản xuất.
Lý giải về việc thực hiện phương thức hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Lào Cai Tô Mạnh Tiến cho biết, tỉnh Lào Cai thực hiện phương thức này từ năm 2012, bước đầu áp dụng thí điểm tại ba huyện là Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn. Đây là những địa phương trọng điểm, do có diện tích đất lâm nghiệp phục vụ trồng rừng sản xuất lớn, đông dân, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, cần phát triển lâm nghiệp để tạo nguồn thu cho người dân để xóa đói, giảm nghèo. Trước đây, tỉnh Lào Cai thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 của Chính phủ. Đó là, Nhà nước hỗ trợ người dân trồng rừng bằng việc cấp phát cây giống. Tuy nhiên, việc cung ứng cây giống không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người trồng rừng về chủng loại, thời gian, nhân lực cộng với tâm lý “của cho” dẫn tới hiệu quả trồng rừng thấp, lãng phí do diện tích không đủ, tỷ lệ cây sống thấp, người dân không mặn mà, trách nhiệm cao đối với rừng trồng. Nhờ thực hiện trồng rừng theo phương thức mới, giao quyền tự chủ cho người trồng rừng nên kết quả đạt cao, nâng cao ý thức tự giác của người trồng rừng, chất lượng rừng trồng thực tế tốt hơn, đem lại lợi ích cho cả người dân và Nhà nước.
Tạo động lực thúc đẩy trồng rừng hiệu quả
Chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa thôn Bông 2, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) chứng kiến, cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm huyện Bảo Yên mang tiền đến để thanh toán, chi trả cho người dân trồng rừng. Ông Trần Hữu Xương phấn khởi nhận 14 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ trồng 5 ha quế, ông Đặng Văn An nhận 5,4 triệu đồng trồng 2,2 ha quế và trẩu, và nhiều gia đình khác được nhận tiền hỗ trợ tùy theo diện tích và chất lượng rừng đã trồng thực tế.
Trưởng thôn Bông 2 Đặng Thị Loan cho biết, cả thôn có 11 hộ trồng rừng theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Bà con đã tự bỏ tiền mua giống quế, trẩu, dổi, trám… để trồng rừng trong phần đất được quy hoạch sản xuất của huyện. Tất cả diện tích rừng trồng đã được ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra thực địa, xác nhận chất lượng cây sống và tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho bà con. Ông Xương phấn khởi cho biết, sẽ dùng tiễn hỗ trợ tiếp tục trồng quế, keo và trẩu để vừa phủ xanh đất trống, giữ nguồn sinh thủy, vừa có nguồn thu lớn sau này, khi rừng sinh trưởng và khép tán.
Ở huyện vùng cao Bắc Hà, đang thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ, đồng bào các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Giáy tích cực trồng rừng theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư và trồng rừng thay thế nương rẫy, nhờ cách làm mới nên hiệu quả đạt cao, tỷ lệ cây sống và tán che phủ tăng lên. Đến nay, huyện Bắc Hà đã trồng được hơn 6.000 ha rừng sản xuất, theo hướng trồng cây đa mục đích như: sơn tra (táo Mèo), thông Caribe để tạo nguồn thu bền vững cho người trồng rừng.
Theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lào Cai Vũ Hồng Điệp, sau bốn năm thực hiện phương thức hỗ trợ trồng rừng theo kết quả thực tế, toàn tỉnh Lào Cai đã trồng được hơn 25.000 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 18.000 ha được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, còn lại 6.500 ha do người dân tự trồng. Từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã chi trả hỗ trợ gần 60 tỷ đồng cho người trồng rừng, hiện còn thiếu 38 tỷ đồng cho diện tích rừng trồng đã được nghiệm thu nhưng chưa có kinh phí. Theo Quyết định số 4014 và 1230 của UBND tỉnh Lào Cai, tổng kinh phí hỗ trợ cho dự án bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2016-2020 là 161 tỷ đồng, đã cấp 79 tỷ đồng, còn thiếu 81 tỷ đồng. Như vậy, khoản kinh phí này dùng để trả nợ cho khối lượng trồng rừng sản xuất đã hoàn thành, được nghiệm thu là 38 tỷ đồng, còn lại hơn 42 tỷ đồng được sử dụng phân khai cho khối lượng rừng trồng trong năm 2020. Hiệu quả trồng rừng theo phương thức trả tiền theo kết quả thực tế đã được chứng minh, đề nghị Trung ương và UBND tỉnh Lào Cai sớm cấp đủ kinh phí để chi trả kịp thời tiền hỗ trợ cho người dân theo chính sách của Nhà nước, tạo động lực mới trồng rừng hiệu quả, bền vững, góp phần xóa nghèo và nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.