Lào Cai: Nhiều nỗ lực 'giải khát' cho đồng bào huyện Mường Khương
Mỗi năm, người dân hai xã Tả Gia Khâu và xã Dìn Chin sẽ bị thiếu nước sinh hoạt từ 7-9 tháng, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp giúp đỡ người dân nhưng vẫn cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa.
Những ngày qua, một số địa phương như xã Tả Gia Khâu, xã Dìn Chin của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, tình trạng thiếu nước vẫn khá trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực giúp người dân giải quyết những khó khăn do thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Sống chung với khô hạn
Đi thăm một số hộ dân và trường học trên địa bàn, ông Cao Xuân Phà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tả Gia Khâu chia sẻ, do đặc thù về địa hình, từ nhiều năm qua, người dân địa phương luôn sống trong tình trạng thiếu nước mỗi năm từ 7-9 tháng.
Tỉnh Lào Cai và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp giúp đỡ người dân trong những tháng bị khô hạn để sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.
Đặc biệt, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, do lượng mưa ít, tình trạng khô hạn ở địa phương đã xảy ra khá trầm trọng. Lượng nước tích lũy từ việc thu gom nước mưa và các khe nhỏ chỉ đủ sử dụng tiết kiệm.
Hai tháng trở lại đây, nước sinh hoạt tối thiểu cũng thiếu. Người dân phải dùng xe đi xa hàng chục cây số để chở nước về. Chính quyền xã Tả Gia Khâu đã báo cáo việc này lên các cấp. Công an Lào Cai huy động các xe téc phòng cháy chữa cháy chở nước lên cho bà con địa phương.
Theo ông Cao Xuân Phà, Tả Gia Khâu có 460 hộ dân với 2.400 nhân khẩu đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là xã biên giới có trên 4,1km tiếp giáp với Trung Quốc.
Do đặc điểm địa hình và điều kiện tự nhiên như trên, Tả Gia Khâu là một trong những xã nghèo nhất của huyện Mường Khương (một trong những huyện nghèo của cả nước).
Tại xã Dìn Chin, giáp ranh với Tả Gia Khâu, vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất không khả quan hơn. Ông Ly Seo Dín, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, cho biết đất đai khô cằn, núi đá là chủ yếu, vào mùa khô, các nguồn nước bị cạn. Nhân dân của các thôn hàng năm bị thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng.
Chị Lù Seo Sỉu thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin, chia sẻ vào dịp này, do khó khăn về nước, gia đình chị phải đi lấy nước hàng ngày về sử dụng. Tuy nhiên, lượng nước lấy được không đủ dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí, muốn giặt vài bộ quần áo, người dân phải dùng xe máy đi lấy nước cách vài cây số mới tạm đủ nước.
Dưới cái nắng trên 42 độ C, phóng viên đã cùng cán bộ xã đến thăm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tả Gia Khâu.
Được sự quan tâm của các cấp, ngôi trường ở xã biên giới với 100% là người đồng bào dân tộc được xây dựng khá khang trang. Tuy nhiên, nỗi lo thường trực của thầy và trò nhà trường là thiếu nước sinh hoạt.
Thầy giáo Long Văn Ngạn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tả Gia Khâu, chia sẻ nước ở đây cực kỳ là hiếm vì trong khu vực xung quanh nhà trường không có một nguồn nước nào để dẫn nước về nhà trường.
Nhà trường phải tận dụng tất cả các mái nhà, làm ống dẫn nước, máng nước để hứng dẫn về bể nước để tích trữ cho học sinh sử dụng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng thiếu nước khá trầm trọng vì trời không mưa. Để có nước sinh hoạt, nhà trường đã nhờ phụ huynh dùng xe công nông chở được 40 mét khối nước cho nhà trường.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã kết nối với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chở 80 mét khối nước để cho học sinh sử dụng.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, hiện nay, nhà trường đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng các bể chứa nước để vào mùa mưa có thể tích nước sử dụng cho học sinh.
Em em Lù Thị Mây Tuyết, học sinh lớp 5A2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu, cho biết các em được thầy cô giáo hướng dẫn phải sử dụng nước tiết kiệm. Nước sử dụng đánh răng, rửa mặt hằng ngày phải gom lại để tưới hoa và cây trong khuôn viên trường.
Nỗ lực của chính quyền địa phương
Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Khương, cho biết để khắc phục tình trạng khô hạn, huyện đã tích cực báo cáo với tỉnh và Trung ương, chủ động nguồn lực của địa phương đầu tư xây dựng các bể chứa nước và các hệ thống đường ống dẫn nước, các bể chứa nước tập trung khoảng 200-500 mét khối.
Các két nước di động được bổ sung để đáp ứng những nhu cầu sử dụng nước cho các cơ quan, đơn vị, trường học và người dân trên địa bàn. Do nguồn nước cạn kiệt, huyện đã đề nghị Công an tỉnh Lào Cai giúp đỡ sử dụng các xe phòng cháy chữa cháy để đi chở nước lên cấp nước sinh hoạt cho hai xã tả Gia Khâu, Dìn Chin.
Huyện Mường Khương chỉ đạo các địa phương tranh thủ những cơn mưa đầu mùa để tích nước tại các bể chứa, hồ chứa, huy động người dân khơi thông các tuyến kênh mương, thủy lợi.
Với các công trình thủy lợi và cấp nước sạch chưa hiệu quả, huyện chuyển dần sang hình thức khoán cho một đơn vị đầu tư vào vận hành duy tu, bảo dưỡng cấp nước cho người dân.
Để khắc phục tình trạng khô hạn, ổn định sản xuất, huyện Mường Khương còn sử dụng lồng ghép nguồn vốn của ba chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi và xây dựng nông thôn mới cộng với các nguồn vốn hỗ trợ khác để khôi phục lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch, thủy lợi để đảm bảo khai thác và sử dụng tối đa hiệu quả của nguồn nước.
Cùng đó, huyện đang tham mưu với lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho xây dựng các hồ treo chứa nước để cấp nước sinh hoạt như mô hình ở Hà Giang.
Việc làm các hồ treo sẽ giúp tận dụng địa hình tự nhiên gắn với các nguồn nước sẵn gắn với khu dân cư theo hình thức phân tán. Địa điểm có nguồn nước tốt sẽ làm quy mô lớn, nguồn nước ít, đầu tư vừa phải.
Đối với những địa bàn thực sự khó khăn về nguồn nước, huyện Mường Khương đang từng bước chuyển đổi các cơ cấu sang trồng các cây chịu được hạn, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu Mường Khương như cây chè, quế và các cây công nghiệp khác.
Lâu dài, huyện đẩy mạnh trồng rừng và phát triển bảo vệ rừng để vừa tạo cảnh quan, vừa tạo thảm thực vật, nguồn sinh thủy, giữ nguồn nước, ông Lê Ngọc Dương chia sẻ./.