Lào Cai: Phấn đấu đến năm 2030 không còn hộ nghèo
Đây là mục tiêu được lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ tháng 1.2025 nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ tháng 1 và cả năm 2025 của tỉnh. Tỉnh cũng đặt ra nhiều mục tiêu về xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo sinh kế bền vững và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng 'Số - Xanh - Hạnh phúc'.
Phát triển theo hướng "Số - xanh - hạnh phúc"
Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2024 của Lào Cai ước đạt 7,38%, cao hơn mức tăng 5,18% của năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước khoảng 7%, xếp thứ 9/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở kết quả tăng trưởng GRDP năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lựa chọn mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2025 là trên 10% (đây là mục tiêu rất khó khăn khi đặt trong bối cảnh thuận lợi ít, khó khăn nhiều của tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng).
Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp được giao tại Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 10.12.2024 của UBND tỉnh rất cao, đòi hỏi các cấp, các ngành tổ chức thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ các tuần đầu, tháng đầu của năm 2025 mới bảo đảm hoàn thành được mục tiêu trên. Do vậy, đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức đối với mục tiêu tăng trưởng trên 10%.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, mục tiêu phấn đấu của tỉnh là cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc; phải có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số; giảm nghèo nhanh và bền vững để đến năm 2030 cơ bản không có hộ nghèo.
Tỉnh Lào Cai đưa ra giải pháp cần tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm: thu ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng nông thôn mới; nhà ở; đẩy mạnh thực hiện Đề án 86 về tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân; cải cách hành chính và chuyển đổi số; quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội; vấn đề cấp bách, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại.
Để thực hiện được các mục tiêu trên cần chủ động, tích cực, thực hiện sớm tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, tới đây sẽ thực hiện sáp nhập, sắp xếp một số Sở, đơn vị trước; phòng, chống lãng phí; tiếp tục nghiên cứu chi thường xuyên, cơ cấu lại chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm chi, quy chuẩn hóa trong công tác quản trị nhằm huy động nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển kinh tế.
Mặt khác, ưu tiên tối đa nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn lực tài chính, giải phóng mặt bằng, các quy hoạch; nhận diện được "cơ hội" và "thách thức", cơ cấu lại đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động các đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Số - Xanh - Hạnh phúc", cụ thể, "Số" là phải toàn diện giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải toàn diện các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, toàn diện từ tỉnh đến thôn. "Xã hội số" phải bảo đảm 3 mục tiêu là thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận, tạo khí thế thi đua. "Kinh tế số" có 3 nội dung là chỉ số đóng góp kinh tế số phải tăng, chỉ số thương mại điện tử tăng, doanh nghiệp phải vào cuộc.
"Chính phủ số" phải xây dựng hạ tầng trong đó có viễn thông, tiện ích số, nền tảng số điều hành, phải có kết quả, sản phẩm trong năm 2025...; "xanh" phải có các dự án xanh, du lịch, công nghiệp, khu công nghiệp xanh, cụm công nghiệp xanh thì phải tìm được nhà đầu tư xanh, tìm các dự án thiết thực như công viên xanh; "hạnh phúc" xây dựng các chỉ số hạnh phúc theo các tiêu chí...
Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh, từ đầu chương trình đến nay, Lào Cai đã xây mới và sửa chữa 5.197/8.939 căn, trong đó, xây mới 3.282/6.470 căn, sửa chữa 1.915/2.469 căn.
Lào Cai đã huy động 405,109 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 169,709 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 16,971 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 218,429 tỷ đồng).
Đến nay, đã giải ngân 348,7 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 127,46 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 12,671 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 208,602 tỷ đồng). Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đã hỗ trợ 3.905/4.163 căn, trong đó, xây mới 2.543/2.675 căn, sửa chữa 1.362/1.488 căn.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các huyện cho biết, thời gian qua, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dẫn đến khối lượng nhà ở xây mới và sửa chữa tăng lớn. Tỉnh cũng đã linh hoạt sử dụng các nguồn hỗ trợ, vận dụng các cơ chế, chính sách sao cho có lợi nhất cho người dân. Nhờ thực hiện đồng bộ, trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được nhân dân đồng thuận, trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cùng với chính sách nhà ở, tỉnh cũng rất quan tâm chính sách đất ở, tạo thuận lợi cho nhân dân thụ hưởng các chương trình hỗ trợ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng với sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tỉnh Lào Cai phấn đấu hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đến tháng 6.2025.