Lào Cai quyết tâm không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ

Ngoài tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn sau mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, một vấn đề quan trọng khác đang đặt ra cho tỉnh vùng cao Lào Cai là kiểm soát, phòng chống dịch, quyết không để dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Lũ sông Hồng đã rút, nhưng một khối lượng bùn đất khổng lồ kèm theo đủ loại rác đang hiện hữu khắp nơi ở thành phố Lào Cai – nơi có trên 2.000 hộ dân bị nước ngập vào nhà.

Phun khử khuẩn phòng dịch

Phun khử khuẩn phòng dịch

Ông Nguyễn Xuân Toản, ở phường Kim Tân chia sẻ: "Bùn đất, nước thải từ các cống rãnh giờ đây đều hỗn độn hết nên bà con rất lo lắng, thiên tai đã vậy rồi nhưng giờ còn lo cả dịch bệnh sẽ tới".

Qua rà soát của ngành y tế địa phương, toàn tỉnh Lào Cai có gần 16.000 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ngay từ trước cơn bão số 3, các đơn vị y tế, đặc biệt ở tuyến huyện, tuyến xã đã chủ động dự trù đầy đủ trang thiết bị, hóa chất để sẵn sàng khử khuẩn phòng dịch. Các khu dân cư, trường học, chợ bị ngập nước sẽ là những địa bàn ưu tiên hàng đầu.

Ông Lê Việt Đông - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Phố Lu nói: "Sau khi nước rút, chúng tôi cũng đã cử cán bộ phụ trách từng thôn, tổ dân phố xuống tận nơi để hướng dẫn người dân pha hóa chất khử khuẩn trong nhà cũng như các dụng cụ trong gia đình để đảm bảo vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm".

Hướng dẫn phòng dịch cho người dân

Hướng dẫn phòng dịch cho người dân

Theo ông Đoàn Đức Hoàng, Trưởng Khoa y tế cộng đồng - Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng, địa phương có gần 900 hộ và nhiều khu vực bị ngập nước. Sau khi lũ rút, đội ngũ cán bộ y tế đã xuống cơ sở hướng dẫn chi tiết từ công tác vệ sinh, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, diệt bọ gậy đến các biện pháp khử khuẩn.

"Trung tâm cũng tăng cường công tác khử khuẩn đối với các nguồn nước. Đặc biệt là những điểm cấp nước tập trung để làm sao đảm bảo nước sinh hoạt, nước uống cho bà con. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân những biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm sau mưa lũ", ông Hoàng cho hay.

Nguy cơ dịch bệnh hiện hữu sau khi nước rút

Nguy cơ dịch bệnh hiện hữu sau khi nước rút

Theo ông Phạm Văn Vũ, Khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai, việc tổ chức giám sát dịch bệnh, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đã được ngành y tế triển khai sâu rộng, trên tinh thần phát hiện kịp thời, xử lý triệt để, không để dịch bệnh hay ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng yêu cầu phải thường xuyên, liên tục trong và sau mưa lũ.

"Người dân cần đảm bảo nguồn nước, xử lý xác những động vật chết, xử lý rác thải sinh hoạt, ngoài ra còn cần phòng các bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da hay bệnh tả lỵ", ông Vũ nói.

Để công tác phòng dịch bệnh đạt hiệu quả cao, ngành y tế tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản đề nghị Trung ương hướng dẫn quy trình mua sắm, tạm ứng vật tư, hóa chất trong giai đoạn cấp bách mưa lũ; đồng thời, đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm hóa chất phun khử khuẩn môi trường và viên khử khuẩn nước ăn uống sinh hoạt đang đòi hỏi nhu cầu lớn.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lao-cai-quyet-tam-khong-de-bung-phat-dich-benh-sau-mua-lu-post1121168.vov