Lào Cai 'vừa chạy, vừa xếp hàng' chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao
Tỉnh Lào Cai đang tập trung các nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng trên tinh thần 'vừa chạy, vừa xếp hàng', nhằm bảo đảm các điều kiện để dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khởi công vào cuối năm nay.
Căn cứ hồ sơ ranh giới sơ bộ của Ban Quản lý Dự án, 4 địa phương nơi tuyến đường sắt đi qua gồm thành phố Lào Cai và các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn đã hoàn tất đo đạc ngoại nghiệp, bước đầu xác định vùng ảnh hưởng của dự án khoảng 780 ha. Trên cơ sở đó, tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ bố trí 950 suất tái định cư cho người dân, hơn 90 suất tái định cư cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, các doanh nghiệp phải di dời tập trung tại 2 cụm công nghiệp nằm liền nhau là Đông Phố Mới và Sơn Mãn (Vạn Hòa) của thành phố Lào Cai. Tất cả đều chung tinh thần ủng hộ dự án. Song, có tới 4 khu tái định cư sẽ được xây dựng nên kiến nghị ngành chức năng cần căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh và nguyện vọng của doanh nghiệp để bố trí hài hòa.
"Làm sao ưu tiên cho doanh nghiệp chọn vị trí phù hợp vì doanh nghiệp đang hoạt động ổn định phải di chuyển, đầu tư vào vị trí mới, kéo theo sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, do đó chúng ta phải tính toán thật kĩ."- Ông Nguyễn Hữu Long cho biết thêm.

Diện tích dự án đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai rơi vào khoảng 780 ha
Do đặc thù dự án trải dài theo tuyến, ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư có văn hóa, tập quán khác nhau nên Lào Cai cũng đề ra yêu cầu phải nghiên cứu xây dựng tái định cư phù hợp đặc điểm, nhu cầu của các nhóm dân cư. Theo đó, dự kiến có 16 khu tái định cư phân bố tại 4 huyện, thành phố, ước kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng. Ông Phạm Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, căn cứ Luật Đất đai mới 2024 và các quy định của địa phương, cơ quan chức năng sẽ tham chiếu để tính toán, bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân trong diện di dời.
"Tới lúc chính thức tiến hành kiểm đếm, giải phóng mặt bằng sẽ xuất hiện các tình huống cụ thể. Khi đó, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác đền bù, tái định cư sẽ phải trực tiếp giải quyết. Còn những trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan liên quan sẽ báo cáo tới UBND tỉnh để tìm hướng tháo gỡ."- Ông Phạm Bình Minh nói.

Bản vẽ 1 trong 4 khu tái định cư cho các dự án của doanh nghiệp phải di dời
Theo ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, mặc dù Ban Quản lý Dự án chưa cắm mốc và bàn giao ranh giới dự án trên thực địa, nhưng các ngành, địa phương vẫn rất chủ động, linh hoạt, đến nay đã đủ điều kiện để thống kê, áp giá đền bù cho người dân, còn tới khi có ranh giới chính xác nếu chênh lệch vẫn có thể bổ sung, điều chỉnh. Các trường hợp đặc thù cũng sẽ vận dụng theo Nghị quyết số 187 của Quốc hội, bảo đảm tiến độ nhanh nhất để đến tháng 12/2025 có thể khởi công dự án và các khu tái định cư như kế hoạch đề ra.
"Tỉnh Lào Cai cũng muốn tất cả phải công khai minh bạch. Từ phạm vi giải phóng, hướng tuyến, kể cả sau này tới bước thiết kế, phê duyệt dự án, bản vẽ thi công mà liên quan đến cuộc sống người dân thì chúng tôi cũng phải lấy ý kiến để bổ sung, tránh khi chúng ta xây dựng đường sắt rồi lại không có đường gom, không có lối đi sang phải đi xa 5 – 6 km sẽ rất bất hợp lý."- ông Hài nhấn mạnh.