Lào Cai: Xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu

Từ những cây cỏ sinh trưởng tự nhiên trong rừng hay được mang về trồng trên nương, trên đồi, những năm qua đồng bào các dân tộc Lào Cai đã và đang biến cây dược liệu trở thành một mặt hàng chủ đạo gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư sống gần rừng và sống dựa vào rừng.

Cây trồng hái ra “vàng”

Từ năm 2011 trở lại đây, Lào Cai đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng “mũi nhọn”, thay thế cây lúa, ngô để xóa nghèo nhanh và bền vững. Với xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được ưu tiên ở các nước phát triển, Lào Cai xác định đây là cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 1 vụ. Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương từng bước khôi phục, phát triển các loài cây dược liệu như: atiso, chè dây, cây đương quy, cây xuyên khung…

Cũng từ đây, các làng nghề truyền thống sản xuất, sử dụng thảo dược để xuất khẩu dần được hình thành và có xu hướng phát triển mạnh, thu hút một lực lượng lao động trong khu vực dân cư thôn bản. Thêm vào đó, việc mở rộng quy mô hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những cơ hội kinh tế quan trọng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, làng nghề sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ phát triển, góp phần vào việc cải thiện đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo nền kinh tế ở địa phương. Cây dược liệu vì thế được coi là loại cây trồng hái ra “vàng”.

Lào Cai phát triển dược liệu thành cây trồng mũi nhọn

Lào Cai phát triển dược liệu thành cây trồng mũi nhọn

Một trong những yếu tố góp phần vào thành công này là do Lào Cai đã quan tâm thực hiện hiệu quả việc phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đơn cử, huyện Bắc Hà là một trong những địa phương tích cực khuyến khích các xã có điều kiện thích hợp chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu và cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với sản xuất ngô, lúa, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây dược liệu, Bắc Hà là một trong những địa phương được tỉnh Lào Cai định hướng và phê duyệt dự án phát triển cây dược liệu. Dự án được quy hoạch triển khai tại 9 xã với tổng diện tích 218ha với các loài cây như atiso, đương quy, bạch truật, xuyên khung,…

Diện tích sản xuất dược liệu trên địa bàn huyện mỗi năm đều tăng và vượt chỉ tiêu, kế hoạch giao. Điển hình như từ 1ha cây atiso trồng thử nghiệm năm 2010, đến năm 2019 huyện đã mở rộng được 90ha; dự kiến hết năm 2020 huyện sẽ có 100ha, bằng 119%. Trên địa bàn huyện hiện có Hợp tác xã nông nghiệp Na Hối sơ chế lá atiso (nấu cao mềm), thu mua lá tươi, củ, hoa cho các hộ nông dân; lắp đặt dây chuyền sấy sơ chế các sản phẩm dược liệu, chế biến, đóng gói trà dược liệu tại xã Bản Phố. Đến nay, huyện Bắc Hà đã chủ động được nguồn giống tốt (đương quy, đan sâm, cát cánh) để cung cấp cho nông dân.

Thêm vào đó, huyện Bắc Hà phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và nhiều hộ trồng thử nghiệm 29 loại cây dược liệu, đến nay đã nhân ra trồng đại trà và phát triển tốt 8 loại cây dược liệu Atiso, đương quy Nhật Bản, cát cánh, đan sâm, bạch chỉ, bạch truật, đẳng sâm, chè dây, đồng thời tiếp tục trồng thêm một số vụ để đánh giá các cây dược liệu: Độc hoạt, tục đoạn, xuyên khung, khoai nưa, tam thất, phòng phong, sâm Ngọc Linh.

Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của cây dược liệu, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã chủ động ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng, mở rộng diện tích cây dược liệu. Từ đó, đã khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất... góp phần tích cực hỗ trợ phát triển trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn.

Quy hoạch vùng sản xuất dược liệu an toàn

Với những lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu hiện đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Một trong những yếu tố góp phần vào thành công đó là do Lào Cai đã quan tâm thực hiện hiệu quả việc phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở những thành quả đạt được, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương từng bước khôi phục và hướng tới phát triển bền vững cây dược liệu.

Hiện nay tỉnh Lào Cai đang từng bước xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cây dược liệu đăng ký mã số, mã vạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra sản phẩm mang đặc trưng Lào Cai, mở rộng thị trường. Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu có 3.500ha cây dược liệu và tập trung phát triển 22 chủng loại dược liệu chính, sản lượng khoảng trên 11.000 tấn/năm; định hướng phát triển mở rộng vùng trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu dược cho các công ty, tập đoàn chế biến dược trong nước.

Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Lào Cai sẽ mở rộng trồng mới 140ha cây dược liệu chủ lực, nâng tổng diện tích cây dược liệu hàng hóa của toàn tỉnh lên 2.440ha. Cùng với đó, duy trì ổn định diện tích cây dược liệu hiện có, trên cơ sở tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hằng năm; chú trọng vào một số cây dược liệu chủ lực. Phấn đấu toàn bộ diện tích cây dược liệu có hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, 100% diện tích cây dược liệu của vùng quy hoạch sản xuất đảm bảo an toàn; diện tích trồng cây dược liệu làm thuốc đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ thu hút doanh nhiệp đầu tư cơ sở thu gom, bảo quản, sơ chế và chế biến dược liệu.

Theo cơ quan chức năng, có đến hơn 80% lượng dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) và tỉ lệ dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rất thấp, khó kiểm soát chất lượng. Nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu dược liệu kém chất lượng thời gian qua, các lực lượng chức năng liên quan (công an, quản lý thị trường, hải quan,…) đã phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng.

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-cai-xay-dung-thuong-hieu-cho-cay-duoc-lieu-158560.html