Lào Cai: Xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng
Thời gian qua, với nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của Lào Cai đã có đầu ra ổn định và được người tiêu dùng đón nhận
Nhiều sản phẩm đã có mặt trên sàn thương mại điện tử
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chủ trương đúng đắn, cần thiết để tổ chức lại sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế của từng vùng, địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (giai đoạn trước là Quyết định 490/QĐ-TTg), tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai Chương trình.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 163 sản phẩm OCOP đang hoạt động sản xuất kinh doanh của 80 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 60 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố.
Các sản phẩm thuộc 05 nhóm ngành là thực phẩm 139 sản phẩm, đồ uống 10 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ trang trí 05 sản phẩm, dược liệu 08 sản phẩm và Dịch vụ du lịch và bán hàng 01 sản phẩm. Trong đó có 25 sản phẩm 4 sao và 138 sản phẩm 3 sao.
Sau khi sản phẩm được công nhận, tỉnh đã tổ chức xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, quảng bá trên các phương tiện thông tin thị trường và tại các Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế.
Đồng thời, xây dựng các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và các điểm dừng nghỉ; phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart. Hiện nay có 136 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử…
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP của Lào Cai nói riêng đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài. Các sản phẩm OCOP của Lào Cai cũng đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tại thị trường các thành phố lớn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai, việc triển khai chương trình vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo đó, tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về chương trình OCOP; người dân chưa chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng,…
Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và nông dân còn chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, tính hàng hóa chưa cao. Các sản phẩm đánh giá trong thời gian vừa qua đa số là sản phẩm sẵn có, còn các sản phẩm và ý tưởng mới chưa được các chủ thể quan tâm định hướng phát triển.
5 giải pháp chiến lược
Để việc triển khai Chương trình trong thời gian tới đạt hiệu quả, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.
Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP. Xây dựng hình ảnh sản phẩm OCOP chất lượng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường.
Tổ chức tốt chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất chất lượng, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm; củng cố, xây dựng và thành lập các điểm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ chương trình OCOP. Lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt để tạo đột phá, nâng cao chất lượng, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Các ứng dụng về khoa học công nghệ cần dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP.
Tập trung rà soát các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu thị trường lớn trên cơ sở đó hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, định hướng để trở thành sản phẩm đạt OCOP.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Lào Cai không chỉ phấn đấu có sản phẩm OCOP để đạt một trong những tiêu chí công nhận xã nông thôn mới nâng cao, mà phải coi sản phẩm OCOP là niềm tự hào của địa phương sản phẩm sẽ chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.