'Lão đại' rap Việt tái xuất và trận đấu với Binz, Karik
Trong Rap Việt, Wowy giữ vị trí đặc biệt của một 'lão đại' như cách anh được dân underground định danh. Khi đấu với đồng nghiệp trên ghế nóng, anh cũng tạo ra màu sắc riêng.
Sinh năm 1988, đến với rap từ năm 2006, Wowy (tên thật: Nguyễn Ngọc Minh Huy) đã có ít nhất là 14 năm cộng sinh với rap. Anh cũng được coi là gương mặt tiên phong của giới rap Nam Bộ, đặc biệt thành công trong việc kết hợp rap với chất liệu xã hội, văn hóa Việt.
Sau thời gian được cho là có phần ẩn mình, mới đây, Wowy trở lại thị trường với hai vai trò: diễn xuất kiêm sáng tác ca khúc cho phim Ròm của Trần Thanh Huy và đặc biệt là vị trí huấn luyện viên của chương trình Rap Việt.
Cùng với sức nóng của cuộc thi rap đầu tiên lên sóng giờ vàng, Wowy đã bước ra từ “thế giới ngầm” của dân underground, đặt mình giữa sự sinh động lẫn tranh cãi của ghế nóng truyền hình. Rapper được gọi là “lão đại” cũng chính thức tham gia cuộc đấu với các đồng nghiệp Binz, Karik, Suboi và khó tránh những thắng thua chung cuộc.
Đi tìm chân dung “lão đại”
Khi Rap Việt công bố dàn huấn luyện viên, không ít khán giả đại chúng thắc mắc về cái tên Wowy. Chủ nhân của một trong bốn chiếc ghế “cầm cân nảy mực” tại sao lại thuộc về Wowy mà không phải một rapper nổi tiếng khác. Anh là ai?
Thực tế thắc mắc này không khó hiểu. Trong “bộ tứ” huấn luyện viên, thành thật, Wowy không thực sự nổi tiếng ở phương diện đại chúng. Nếu Binz mới đây “làm mưa làm gió” với BigCityBoi, Karik từng được yêu thích với Người lạ ơi, Suboi đặc biệt gây chú ý khi rap trước Tổng thống Mỹ Barack Obama (2016) thì Wowy chưa từng có sự lan tỏa tương tự.
Song, trong giới underground, Wowy giữ vị trí đặc biệt. Trước khi đến với rap, anh là một trong những gương mặt đã được biết đến của breakdance và graffiti – hai trong bốn thành tố chính tạo nên văn hóa hip-hop.
Năm 2006, Wowy chính thức sinh hoạt trong một nhóm rap và được công nhận là lứa tiên phong cho thể loại âm nhạc này ở thị trường miền Nam. 2 năm sau, Wowy chuyển sang con đường solo và gây chú ý đặc biệt với giới rap khi ra mắt Hai thế giới và Khu tao sống, kết hợp với rapper trẻ Karik.
Nhưng bản rap làm nên tên tuổi của Wowy thuộc về Buddha vào năm 2012. Bản rap này có hai phiên bản, trong đó bản “clean” nhận được nhiều thiện cảm và thuyết phục hơn nhiều.
Tuy nhiên, khi đặt hai bản với nhau, giá trị mỗi bản là tạo ra sự phù hợp cho góc nhìn của từng người. Buddha mang giá trị trong việc định danh màu rap riêng của Wowy, đồng thời cũng từ đây anh được gọi là “lão đại”.
Thực chất, "lão đại" vốn là danh từ được nhắc đến trong bản rap Buddha. Nhiều người cho rằng Wowy tự nhận mình là "lão đại". Song nam rapper cho biết "lão đại" là "nàng thơ" trong rap của anh. Một bộ phận khán giả từng cho rằng đây là sự ngông cuồng của nam rapper sinh năm 1988.
Song, điều thú vị là sau này, dân underground cũng gọi nam rapper là “lão đại”. Cách gọi này như sự công nhận cho vị trí tiên phong của Wowy với chất giọng Nam Bộ trên thị trường rap.
Như cách nối dài sự định danh, năm 2015, Wowy ra mắt album lấy tên Lão đại. Album mang thiên hướng rap life, tức các bản rap nói về đời sống. Đây cũng là bản sắc rap của Wowy.
Dễ thấy trong các sáng tác của mình, Wowy không ngại phơi bày quan điểm lẫn thực tại của cuộc sống. Anh cũng không e dè trong chuyện dùng chính những chất liệu cá nhân cho những bản rap của mình. Người số một, được đăng tải vào 8 năm trước, là một ví dụ.
Ca khúc đề cao vai trò của người mẹ trong một gia đình và cũng nói thẳng những hạn chế của người cha. Trên sóng giờ vàng Rap Việt mới đây, Wowy lần đầu tiết lộ về việc nam rapper và cha của mình đã không thể nói chuyện với nhau sau khi tác phẩm ra đời. Wowy cho biết bản thân không hối hận nhưng cũng đã quyết định xin lỗi cha mình. Dẫu vậy, khoảng cách giữa hai người vẫn tồn tại.
Nghe những sáng tác của Wowy dễ nhận ra những câu chuyện rất thật của cuộc sống, là khía cạnh mưu sinh, là chuyện tiền bạc hay kiếp người với không ít “hỷ - nộ - ái - ố”. Nhưng ẩn sau ấy bao giờ cũng là tâm hồn phóng khoáng, dễ thương Nam Bộ và đan cài chất liệu âm nhạc Việt Nam, điều mà không phải rapper nào cũng có được.
Wowy nhún nhường trên ghế nóng?
Trên ghế nóng Rap Việt, Wowy ngồi ở vị trí đầu tiên phía bên phải sân khấu (theo hướng nhìn của khán giả). Anh diện trang phục đúng như truyền thống rapper với quần rộng, rách gối, kính râm và đeo dây chuyền bản to.
Wowy tỏ ra không sinh động về trang phục như các huấn luyện viên còn lại. Anh cũng nói không nhiều, thậm chí nói khá chậm trong khi truyền hình thực tế vốn cần sự sôi động.
Song, Wowy cho thấy diện mạo đậm chất underground ngay cả khi rap đang tung hoành trên giờ vàng truyền hình.
Sau 2 tập đã lên sóng, Wowy tỏ ra đuối sức trong cuộc đua giành thí sinh với các huấn luyện viên khác. Trong khi Suboi đã có 3 thí sinh chất lượng: AK39, Bad BZ, Tage; Binz cũng tuyển được số lượng tương tự: Mac Junior, Thành Draw và Ricky Star; Karik giữ đội hình với Tez, Hydra, Yuno BigBoi; Wowy chỉ mới có được một thí sinh là R.I.C Trần Tiến Đạt.
Trần Tiến Đạt được hai giám khảo quyết định cho về đội của Wowy vì nam thí sinh sở hữu chất giọng trầm khàn hiếm có trong làng rap nhưng đang thiếu lyrics chất lượng. Rhymastic và JustaTee cho rằng Wowy có thể khắc phục được hạn chế này cho R.I.C.
Dù không chứng minh được sự hoạt khẩu khi thuyết phục giám khảo hay thí sinh trong cuộc chiến “giành người”, Wowy vẫn thể hiện là người bản lĩnh và bình tĩnh trên ghế nóng. Đơn cử như màn đấu nón (mũ) vàng sau phần dự thi Bắc kim thang của Ricky Star.
Các huấn luyện viên ra sức tung chiêu. Giám khảo Rhymastic cho rằng Ricky Star nên về với team Binz để có được màu sắc mới lạ. Song, Suboi không đồng tình. Nữ rapper nêu quan điểm thí sinh về với cô sẽ hiệu quả.
Trong khi Karik tiếp lời: “Đến bây giờ chưa có màu sắc nào Karik chưa làm được kể cả club banger. Nếu Ricky Star vào đội Karik thì Karik cùng Ricky Star sẽ làm chung một điều mà Karik đang hướng đến và mọi người chưa làm”.
Wowy sau đó thể hiện thái độ “lão đại” khi tuyên bố: “Mọi sự lôi kéo là dư thừa, những lời nhận xét không có ích gì nữa. Chàng trai này về với ai cũng tốt vì sẽ giúp nhạc rap ở Việt Nam phát triển”.
Giữa những "đối thủ" đều giỏi chuyên môn, thậm chí cân bằng được cả chất underground lẫn sự thời lượng, hiện đại như Karik, Suboi, Binz, rõ ràng Wowy vẫn có vị trí và màu sắc riêng, là lý do để anh trở thành huấn luyện viên gây tranh cãi nhưng cũng nhận được kỳ vọng ở Rap Việt.