Lao động 'chui' đánh cược tính mạng tại Angola

Vì cuộc sống nghèo khó, rất nhiều lao động Việt Nam đã bất chấp hiểm nguy rình rập để sang lao động 'chui' tại đất nước Angola. Có nhiều lao động đã bị đánh đập, bóc lột... Thậm chí, có người phải đánh đổi bằng cả mạng sống…

Chị Hiếu (ngồi bên phải, vợ anh Đức) đau buồn khi chồng và chị dâu tử nạn nơi đất khách. Ảnh: Sơn Nguyễn

Chị Hiếu (ngồi bên phải, vợ anh Đức) đau buồn khi chồng và chị dâu tử nạn nơi đất khách. Ảnh: Sơn Nguyễn

Lao động “chui” bị cướp cũng im lặng

Thời gian gần đây, rất nhiều lao động "chui" người Việt phải bỏ tính mạng của mình ở nơi đất khách quê người, đặc biệt là các lao động ở đất nước Angola. Theo đó, ngày 20/5/2019, 2 lao động tử nạn là anh Nguyễn Trọng Đức (SN 1972, ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và chị Trần Thị Thu Hường (SN 1979, ở xã Song Lộc, huyện Can Lộc) bị cướp đột nhập và sát hại tại Angola. Sự việc khiến người thân và hàng xóm bàng hoàng và thương xót.

Chị Phan Thị Hiếu (vợ anh Đức) kể, do cuộc sống khó khăn, anh Đức đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Angola. Thấy anh Đức đi Angola có “đồng ra, đồng vào” nên chị Hường (chị dâu anh Đức) cũng gửi 2 con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc rồi sang Angola. “Khi chị Hường sang được 2 tháng thì chồng chị mất. Trong khi tang chồng chưa mãn thì chị Hường lại bị nhóm cướp sát hại nơi đất khách. Khổ thân hai đứa nhỏ, không biết chúng sẽ nương tựa vào ai đây”, chị Hiếu ngậm ngùi. Được biết, chồng chị Hường trước đây cũng từng làm ở Angola, do bị cướp tấn công dẫn đến tàn phế và đã qua đời do vết thương tái phát tháng 10/2018.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: “Hoàn cảnh của 2 nạn nhân hết sức khó khăn. Để đưa được thi thể của chị Hường, anh Đức về quê, gia đình đã vay mượn hàng trăm triệu đồng gửi sang Agola để lo các thủ tục, chi phí cần thiết. Đồng thời, gia đình cũng nhờ sự kêu gọi, giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Angola quyên góp, ủng hộ mới có đủ chi phí đưa 2 thi thể về nước”.

Đây không phải là lần đầu tiên lao động Việt Nam bị sát hại tại Angola, trước đó đã có nhiều nạn nhân bị cướp rồi giết hại. Tại tỉnh Uige (Angola), anh Đặng Quốc Nghĩa (ở xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trên đường đi làm về thì bị cướp chặn đường trấn lột. Do không mang theo tiền, anh Nghĩa bị bọn chúng bắn chết. Hai ngày sau, cũng tại tỉnh Uige, anh Nguyễn Viết Hậu (ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) bị một nhóm cướp sát hại. Anh Lê Văn Quế (ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị bọn cướp bắn chết khi đang trên đường đi làm về. Ngày 16/4/2017, chị Nguyễn Thị Đào (SN 1979, ở xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị cướp đột nhập sát hại tại nhà riêng ở Angola

Là một lao động tại Angola đã trở về nước, anh Trần Hùng (SN 1973, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Năm 2010, vì làm ăn thua lỗ, tôi đã vay vốn ngân hàng để sang Angola làm việc. Nghe theo lời một người môi giới tôi cứ nghĩ sang đây sẽ có cuộc sống đổi thay, nào ngờ khi đặt chân sang đất nước này tôi đã phải trải qua bao nguy hiểm. Vì là lao động bất hợp pháp nên nhiều khi bị các ông chủ quỵt tiền công, thậm chí bị cướp giật, đánh đập, ngược đãi mà không dám phản kháng. Chúng tôi chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng trong tủi cực mà không dám khai báo với đất nước sở tại vì chúng tôi không hề có một quyền công dân gì khi ở bên đó. Nghĩ lại tôi còn thấy bàng hoàng, dù có chết tôi cũng sẽ không quay trở lại đấy nữa”.

Nhiều rủi ro, khó kiểm soát

Hà Tĩnh là địa phương có truyền thống đi lao động nước ngoài theo cộng đồng làng xã. Vì vậy, dù được cảnh báo, nhưng một số người lao động theo vận động của người thân, họ hàng bất chấp để sang Angola.

Thông tin từ Công an huyện Kỳ Anh cho biết, mới đây đơn vị này tiếp nhận đơn tố cáo của 2 lao động từ Angola trở về, phản ánh về việc họ bị một phụ nữ tên Hương (ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ép bán dâm và truy sát trong quá trình lao động tại Angola. Hiện các điều tra viên của đơn vị đang lấy lời khai của các nạn nhân để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc.

Nói về tình hình người lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động- Việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho biết: “Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 lao động đang sinh sống và làm việc tại Angola, chủ yếu đi theo con đường “chui”. Thời gian gần đây tại Angola đã xảy ra không ít vụ việc người lao động Hà Tĩnh bị tử vong do bị cướp, bệnh tật và tai nạn giao thông. Mặc dù biết hiểm nguy đang rình rập nhưng vì muốn đổi đời nên nhiều người đã bất chấp để rồi phải đánh đổi bằng cả mạng sống, có nhiều gia đình phải ôm những khoản nợ mà không có khả năng hoàn trả”.

Sơn Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lao-dong-chui-danh-cuoc-tinh-mang-tai-angola-20190626193947211.htm