Lao động 'chui' ở nước ngoài - Bài 1: Không phải là 'miền đất hứa'

Trong thời gian qua, tình trạng người lao động trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc vẫn xảy ra. Bất kể viện lý do gì, vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm…để tìm đường vượt biên ra nước ngoài đều là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, bản thân những người vượt biên phải đối mặt với những hiểm họa khó lường khi làm việc nơi xứ người.

Hàng ngày phải đối mặt với sự nguy hiểm, chèn ép hoặc nơm nớp lo sợ bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt và trục xuất bất cứ lúc nào, đó là tình trạng mà các lao động “chui” ở một số địa phương khi vượt biên sang Trung Quốc làm việc. Thế nhưng bất chấp những cảnh báo và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhiều lao động vẫn lén lút vượt biên sang bên kia biên giới để “mơ” một giấc mơ đổi đời đầy may rủi.

"Làn sóng độc" ở một số vùng quê

Theo bạn bè, người quen hoặc nghe nói xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc mang được nhiều tiền về xây nhà, tậu xe mới… là lời kể phổ biến của những người lao động trong tỉnh từng xuất cảnh trái phép. Thực tế không phải vậy, số sang bên kia biên giới kiếm được công việc thuận lợi với thu nhập cao chỉ đếm trên đầu ngón tay và mang tính chất may rủi, bởi đa số công việc họ làm chỉ mang tính chất thời vụ, bập bõm, thu nhập có thể nhỉnh hơn so với làm việc tại quê nhà một chút ít, song, họ phải đối mặt với bao nguy cơ tiềm ẩn khi không được bảo hộ, thậm chí có trường hợp còn bỏ mạng nơi xứ người.

Chị Bàn Thị Xuân, dân tộc Dao ở thôn Đồng Trò, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã cùng một nhóm người trong thôn vượt biên sang Trung Quốc làm việc qua con đường tiểu ngạch ở tỉnh Quảng Ninh những mong có tiền về trả nợ và có vốn làm ăn. Thế nhưng, sang Trung Quốc làm việc tại xưởng gia công sắt thép được hơn 1 tháng thì chị Xuân phải bỏ việc trở về vì không chịu được điều kiện sống nơi xứ người. Chị Xuân cho biết, cứ tưởng sang Trung Quốc làm việc sẽ có tiền về trả nợ, nhưng sang đó mới biết mức thu nhập cũng thấp và mang tính chất may rủi. Không chịu được kham khổ nên chị đành phải bỏ về sớm. Nợ cũ chưa trả được, nay gia đình chị phải cõng thêm nợ mới. Chị Xuân nói, những lời đồn đoán rằng sang Trung Quốc làm việc đem được nhiều tiền về xây nhà, mua xe… chỉ là chiếc bánh vẽ của những kẻ cò mồi.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Sơn, ở thôn 7, xã Tân Tiến (Yên Sơn) vào một ngày gần đây. Nhìn ngôi nhà lụp xụp, những phên nứa chỉ trực đổ xuống khi có cơn gió thổi qua, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Năm trước anh Sơn đã từng có thời gian vượt biên sang tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) làm ăn mấy tháng trời. Anh Sơn bảo, đi một lần mà anh cạch đến già bởi làm việc ở Trung Quốc lương cũng không cao mà điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn. Một ngày anh phải làm việc đến 14 - 15 tiếng đồng hồ khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, phải trốn về quê sớm “bỏ của chạy lấy người”. Cũng theo anh Sơn, không ít trường hợp người lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc bị quỵt lương, điều kiện sống không đảm bảo dẫn đến đổ bệnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì tình trạng xuất nhập cảnh trái phép hiện nay diễn ra ở làng quê trong tỉnh như một “làn sóng độc” rất nguy hiểm. Theo số liệu từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 5.600 lượt lao động xuất cảnh hoặc nghi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Các trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đều đi theo đường tiểu ngạch qua biên giới rồi đi sâu vào nội địa Trung Quốc đến các cơ sở sản xuất để xin việc làm. Một số trường hợp khác xuất cảnh sang Trung Quốc bằng giấy thông hành hoặc hộ chiếu có dán visa du lịch sang Trung Quốc thời hạn 1 tháng, nhưng trốn ở lại Trung Quốc để lao động trái phép, khi quay về nước thường nhập cảnh trái phép...

Đi tìm nguồn cơn

Qua tìm hiểu, các trường hợp xuất cảnh đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, bị dụ dỗ bởi người nhà, người quen đã từng làm việc ở Trung Quốc hoặc thông qua môi giới. Bên cạnh đó, nhiều người lao động không có việc làm trong khi nhu cầu sử dụng lao động phía Trung Quốc khá lớn. Khi sang Trung Quốc làm việc rất đơn giản, không yêu cầu trình độ và tay nghề cao. Trong khi đó để xuất khẩu lao động hợp pháp thì người lao động phải bỏ ra chi phí ban đầu cao, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Mặt khác, năng lực, uy tín của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị giảm sút khi không giữ đúng cam kết với người lao động…đã khiến người lao động mất niềm tin. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm đã đẩy người lao động ra nước ngoài lao động bất hợp pháp để tăng thu nhập cho gia đình.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Lâm Bình và xã Xuân Lập tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh cho người dân thôn Nà Lòa.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Lâm Bình và xã Xuân Lập tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh cho người dân thôn Nà Lòa.

Xã Tân Tiến (Yên Sơn) là địa phương có nhiều lao động xuất cảnh và nghi xuất cảnh trái phép. Theo thống kê của Công an xã, hiện nay có khoảng hơn 100 người nghi đang làm việc "chui" bên Trung Quốc, các đối tượng gồm nhiều lứa tuổi, thường đi vào ban đêm, bắt xe khách như đi làm ở tỉnh khác trong nước rồi theo các nhóm người vượt biên theo đường tiểu ngạch nên rất khó quản lý. Ông Hà Trọng Hiếu, Trưởng Công an xã Tân Tiến nói, mặc dù lực lượng công an xã, công an viên các thôn đã tăng cường tuyên truyền về những hiểm họa của vấn nạn xuất cảnh trái phép, song nhiều người vẫn bỏ ngoài tai nên rất khó kiểm soát. Có gia đình cả anh em, vợ chồng cùng đi nhưng khi được hỏi lại khai báo đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước. Chỉ đến khi bị cơ quan nước ngoài bắt giữ trao trả về địa phương thì mới bị phạt hành chính.

Việc xuất cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch tính ra chỉ mất trung bình trên dưới 1 triệu đồng là đã chót lọt. Nhưng bên kia biên giới lại là một thế giới đầy cạm bẫy, nguy hiểm đối với người lao động bởi không còn được bảo hộ. Có trường hợp người lao động tìm được ông chủ tốt thì có thu nhập tạm ổn, nhưng có những trường hợp gặp phải ông chủ xấu bị quỵt mất cả tiền công mấy tháng trời. Bên cạnh đó còn bị đối xử, chèn ép thậm chí bị hành hung, đánh đập, điều kiện sinh hoạt kham khổ.

Ông Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, trước đây đã có những trường hợp lao động ở xã sang Trung Quốc làm việc bị tai nạn lao động chết và bị thương. Thấy được sự nguy hiểm của việc xuất cảnh trái phép, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định các đối tượng nghi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc rất khó khăn bởi khi đi người dân chỉ nói là đi làm ăn xa, không xác định được công việc cụ thể.

Có thể nói tình trạng xuất khẩu lao động “chui” sang Trung Quốc, vượt biên trái phép đã gây khó khăn trong công tác quán lý công dân tại địa phương. Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại Trung Quốc bấp bênh và tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường như bị cướp giật, lừa bán, bị đánh đập, bóc lột sức lao động… Thế nên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của tỉnh đã tăng cường các giải pháp ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Bài 2: Giải pháp để phòng ngừa và ngăn chặn

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/lao-dong-chui-o-nuoc-ngoai-bai-1-khong-phai-la-mien-dat-hua-124592.html