Lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc không chịu về nước: Tước đi cơ hội của người khác

Lao động ở một số tỉnh miền Trung hết hạn hợp đồng không chịu về, điều này dẫn đến phía Hàn Quốc tạm thời ngừng tuyển chọn lao động tại các huyện này.

Việc người dân một số huyện như Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An, Nghi Xuân và huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh sang Hàn Quốc lao động khi hết thời hạn không về nước mà bỏ ra ngoài làm việc, dẫn đến phía Hàn Quốc tạm thời ngừng tuyển chọn lao động tại những huyện này.

Đây là tin không vui với người lao động ở các địa bàn trên, đặc biệt trong bối cảnh cánh cửa ra làm việc ở nước ngoài vừa mở lại sau thời gian dài bùng phát đại dịch.

 Một góc có nhiều ngôi nhà khang trang tại làng quê Nghệ An, nơi có nhiều người đang đi xuất khẩu lao động

Một góc có nhiều ngôi nhà khang trang tại làng quê Nghệ An, nơi có nhiều người đang đi xuất khẩu lao động

Và đây không phải là lần đầu tiên phía Hàn Quốc và Việt Nam phải áp dụng biện pháp mạnh nhất để giải quyết tình trạng lao động hết thời hạn hợp đồng nhưng trốn ra ngoài làm việc, không chịu về nước.

Tại Nghệ An, có hai huyện là Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên phải tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS năm 2023.

Đến nay, Nghệ An có tới 10.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Bình quân hàng năm có từ 500 - 700 người lao động được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc, với mức tiền lương hấp dẫn từ 1.000 - 1.500 USD/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Long - cán bộ chính sách thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hương Nguyên) cho hay, thị trấn có 30 người đang làm việc tại Hàn Quốc thì có 10 người đang cư trú bất hợp pháp. “Nhiều năm nay, cán bộ huyện và thị trấn đã có nhiều đợt tổ chức vận động những lao động còn cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng không thành công. Những trường hợp về nước đều là những người có vấn đề đột xuất nằm ngoài mong muốn. Tỷ lệ ở lại này so với địa phương khác còn khá thấp nhưng hầu hết lao động đi Hàn Quốc đều tìm cách ở lại, nên con số 10 người chưa chắc đã dừng lại...”, ông Long nói.

Tương tự, phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò hiện nay có tới 700 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc thì phần nhiều trong số này đang cư trú bất hợp pháp. Với Nghi Hải, lượng kiều hối mỗi năm hơn 25 tỷ đồng là nguồn thu không hề nhỏ. “Chúng tôi dù luôn mong muốn lao động về nước đúng thời hạn để tạo điều kiện cho những người khác đi, tránh được việc bất bình đẳng trong tạo cơ hội giải quyết việc làm, nhưng xem ra rất khó, vì tuyên truyền mấy, người lao động cũng không chịu về…”, ông Nguyễn Mạnh Cường - cán bộ chính sách phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò cho biết.

Tại Hà Tĩnh, có hai huyện là Nghi Xuân và huyện Kỳ Anh phải tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS năm 2023.

Được biết, chỉ riêng xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã hiện có gần 2.700 công dân lao động ở nước ngoài, trong đó phần lớn đang lao động tại Hàn Quốc. Địa phương cũng có người dân hết hợp đồng lao động nhưng chưa về nước.

Nhiều người dân phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò cho rằng, các công dân hết hạn hợp đồng không về nước dẫn đến phía Hàn Quốc tạm ngừng tuyển chọn lao động tại địa phương khiến con em họ mất đi cơ hội sang lao động tại Hàn Quốc

Nhiều người dân phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò cho rằng, các công dân hết hạn hợp đồng không về nước dẫn đến phía Hàn Quốc tạm ngừng tuyển chọn lao động tại địa phương khiến con em họ mất đi cơ hội sang lao động tại Hàn Quốc

Với địa phương xuất khẩu lao động là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Trung bình mỗi người lao động tại Hàn Quốc gửi về quê nhà khoảng 1.000 - 1.200 USD/tháng. Mỗi năm địa phương này có từ 250 - 300 người có nhu cầu sang Hàn Quốc lao động.

Người dân khi đi lao động tại Hàn Quốc đều ký quỹ 100 triệu đồng/người. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng họ trốn ra ngoài, tiền lương cao nên họ chấp nhận mất 100 triệu đồng tiền ký quỹ để ở lại.

Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân cho biết, để giải quyết vấn đề lao động hết hợp đồng nhưng không về quê, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân của các công dân đang lao động tại Hàn Quốc tuân thủ hợp đồng và về nước đúng thời hạn. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa mấy khả thi.

Vị này cũng thừa nhận chế tài xử lý lao động đang dừng ở mức hành chính, chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với những người thu nhập cao khi lao động ở Hàn Quốc.

Nhiều nguyên nhân khiến các lao động không về nước đúng thời hạn được đưa ra: Các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn né tránh, giảm các khoản chi phí tuyển dụng mới lao động và muốn sử dụng lại những người lao động Việt Nam đã làm việc thành thạo công việc đã làm trước đó nên đã tạo điều kiện cho người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp. Hơn nữa, công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc từ phía Hàn Quốc chưa chặt chẽ; các chế tài xử phạt chưa nghiêm nên người lao động Việt Nam dễ lợi dụng sơ hở để trốn tránh.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã phối hợp với các huyện tổ chức nhiều cuộc, nhiều hình thức vận động lao động về nước theo quy định. Các địa phương trực tiếp làm việc với các gia đình có người lao động, đồng thời không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này... Thế nhưng xem ra những giải pháp này cũng không mấy hiệu quả, vì thực tế lợi ích của việc ở lại lớn hơn rất nhiều những bất cập rủi ro mà phía lao động và gia đình lao động có thể phải chịu.

Bắt đầu từ năm 2011 xuất hiện nhiều tình trạng người lao động bỏ trốn ra ngoài sau khi hết hạn hợp đồng theo diện EPS. Đến năm 2017 có 11 huyện, thành, thị của Nghệ An bị đình chỉ việc tuyển chọn lao động theo diện EPS thì đến năm 2022, 2023 chỉ còn 3 huyện, thị. Số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm mạnh và số địa phương bị "thẻ đỏ" cũng đã giảm đáng kể như nêu ở trên. Tuy nhiên, thực tế vấn đề phòng, chống lao động chui vẫn gặp nhiều khó khăn. Với mức lương từ 40-80 triệu đồng/tháng, người lao động sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trốn ở lại làm việc bởi về nước họ không dễ kiếm được việc làm với mức lương bằng 1/3 con số kia.

Bởi vậy, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động và triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đề ra, cụ thể từ khâu tuyển chọn, đào tạo trước khi đi cho đến hỗ trợ cũng như quản lý người lao động tại Hàn Quốc và thúc đẩy họ tự nâng cao trình độ… ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề việc làm cho người lao động "hậu xuất khẩu".

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thông báo tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đợt 1 năm 2023 đối với 8 quận/huyện thuộc 4 địa phương do có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.

Theo đó, 8 quận/huyện thuộc 4 địa phương trong danh sách gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP. Chí Linh (tỉn Hải Dương), thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Danh sách này không có sự thay đổi so với danh sách năm 2022.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-dong-het-han-hop-dong-o-han-quoc-khong-chiu-ve-nuoc-tuoc-di-co-hoi-cua-nguoi-khac-247426.html