Lao động kỹ năng – chìa khóa nâng cao năng suất lao động

Chủ động thay đổi hay chịu sự thay thế? Người lao động cần phát triển thêm những kỹ năng gì nếu không muốn mình đi sau làn sóng cách mạng công nghệ 4.0? Trước thách thức này, lần đầu Chính phủ chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động vào ngày 16/11. Điều đấy cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng – yếu tố then chốt đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Chỉ trong vòng 3 năm, doanh nghiệp này đã cắt giảm từ 1.200 lao động xuống còn 800 lao động. Việc đưa các dây chuyền tự động hóa vào trong sản xuất đã khiến người lao động buộc phải tự đổi mới nâng cao kiến thức nếu không muốn chịu sự thay thế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra môi trường mà máy tính và con người cùng nhau làm việc theo cách thức hoàn toàn mới, hình thành nên những kỹ năng mới. Không chỉ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng đang chịu áp lực của làn sóng 4.0 Tuy nhiên theo các chuyên gia, chính áp lực sẽ tạo động lực hợp tác thành công hơn đến từ hai phía.

Hiện, những điều kiện hậu thuẫn cho sự phát triển này đã có thông qua cơ chế tự chủ như nhà trường được linh hoạt tổ chức đào tạo, tổ chức tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo để thích ứng với doanh nghiệp. Trong đó 70% thời lượng là thực hành, doanh nghiệp có thể tham gia tới 40% chương trình đào tạo. Đặc biệt từ năm 2018, theo luật, doanh nghiệp đã được phép tham gia vào đào tạo, cấp các chứng chỉ cho người lao động mà không cần phải cấp phép như trước kia.

Đặc biệt, thời gian qua, Tổng cục GDNN đã ký các chương trình phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các hiệp hội như: GDNN và nghề công tác xã hội, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Du lịch, Bán lẻ, Doanh nghiệp trẻ,…; các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để làm tiền đề, thúc đẩy hợp tác giữa các trường với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ sở GDNN đã ký các chương trình hợp tác và hợp đồng đặt hàng đào tạo với doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ giao mục tiêu chỉ số đào tạo nghề tăng lên 5 bậc nhưng năm 2018, chỉ số này của Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tăng tới 18 bậc. Song sẽ còn nhiều việc phải làm để tạo nên mối quan hệ nhịp nhàng giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề , tạo động lực tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/lao-dong-ky-nang-chia-khoa-nang-cao-nang-suat-lao-dong