Lao động ngành xây dựng cần chú trọng ngoại ngữ để hội nhập
Trong quá trình hội nhập, nhu cầu tuyển lao động có trình độ ngày càng tăng. Tuy nhiên, có một thực tế là lao động Việt Nam được đánh giá tốt về tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm việc chăm chỉ nhưng lại gặp nhiều trở ngại về ngoại ngữ. Việc gia nhập cộng đồng AEC tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Việc gia nhập AEC sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động Việt Nam.
Kỹ thuật viên, công nhân cũng cần có ngoại ngữ
Ông Trịnh Văn Dũng, Hiệu phó trường Cao đẳng công trình đô thị nhận xét: Trên thực tế, chương trình đào tạo ngoại ngữ trong các trường thuộc hệ thống của ngành xây dựng cũng như giáo dục đào tạo đã được nâng cấp. Tuy nhiên, ngay cả cấp bậc Đại học hay Cao đẳng, Trung cấp hiện tại thì nội dung đào tạo ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các em học sinh xác định rõ mục tiêu khi tốt nghiệp thường chuẩn bị sẵn hành trang này bằng nhiều kênh khác nhau chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào chương trình đào tạo trong trường.
Bà Phạm Vũ Thương Nhung, Giám đốc dự án Cty Kiến trúc Tona cho biết: Doanh nghiệp hiện rất cần những lao động có trình độ ngoại ngữ, họ không chỉ dùng ngoại ngữ vào công việc trực tiếp mà còn có thể mở rộng thêm các nguồn tài liệu từ nước ngoài bổ sung cho công việc chuyên môn.
Trước thềm Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Cty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đã có thực hiện khảo sát với trên 2.500 người lao động về lợi ích và hạn chế khi tham gia AEC. Theo đó, 91% số người cho biết việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ có lợi cho mình. Có 2 lợi ích được nhiều người tán thành nhất, đó là cơ hội học hỏi và tác phong làm việc. Cụ thể, trên 52% số người thực hiện khảo sát cho rằng họ sẽ có thêm “nhiều cơ hội học hỏi và cọ xát với các chuyên gia và tài năng từ các nước trong khu vực ASEAN.”
Những điểm bất lợi khi gia nhập AEC, nhiều người lao động cũng đã tỏ ra sự thiếu tự tin. Bất lợi lớn nhất mà đến 84% số người đưa ra là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam vì họ là những người thông thạo tiếng Anh.
PGS.TS Phạm Xuân Anh (ĐH Xây dựng) cho biết, trường cũng đang từng bước triển khai, huy động đầu tư từ nhiều nguồn của Nhà nước, nhà trường và các cơ sở để từng bước đáp ứng yêu cầu trên thế giới như một số chương trình đào tạo chất lượng cao như dạy bằng tiếng Pháp, tiếng Anh cho các ngành như Xây dựng dân dụng, Xây dựng công nghiệp, Kiến trúc. Các ngành Cầu đường, Cấp thoát nước, Kinh tế xây dựng cũng được dạy bằng giáo trình tiếng Anh. Những chương trình này vừa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, vừa cập nhật kiến thức của khu vực và trên thế giới và yêu cầu trình độ kỹ sư quốc tế.
Không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm trong nước mà lao động Việt Nam còn có cơ hội sang làm việc tại các thị trường khu vực, đặc biệt là đối với lực lượng lao động có chất lượng cao khi được tự do di chuyển trong khu vực. Với 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển, người lao động có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Người thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh thực sự khốc liệt với lao động trong nước.
Lợi thế vẫn chưa đủ
Thời gian qua, lao động Việt luôn được đánh giá là có lợi thế vì cần cù, chịu khó, “giá rẻ”... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự tự do luân chuyển lao động vừa là cơ hội song cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Bên cạnh việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. Nếu người lao động Việt Nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”, bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC.
Bà Nguyễn Thị An Quyên, Giám đốc điều hành Học viện Anh ngữ Equest cho biết, tham gia AEC, với sinh viên, bên cạnh ngoại ngữ cần chủ động hơn trong việc xác định cho bản thân một phương pháp học tập khoa học, học để “đi làm” chứ không phải học để thi. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến các kỹ năng công việc, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản lý thời gian để có được tư duy ứng dụng đúng đắn và đầy đủ lí thuyết vào thực tiễn, để làm tăng giá trị cho bản thân, nâng cao hiệu suất lao động.
Hội nhập AEC sẽ mở ra những cơ hội lớn cho những lao động Việt Nam có tay nghề cao, tiếng Anh tốt được làm việc ở các nước ASEAN với mức thu nhập cao hơn. Để nắm bắt cơ hội khi tham gia người lao động phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng của doanh nghiệp để dành cơ hội cho mình. Những điều tưởng chừng không khó này lại cần đến cả quá trình thay đổi trong nhận thức từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc dịch chuyển lao động trong các nước ASEAN sẽ diễn ra trong các ngành gồm: kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, y tá, điều dưỡng, vận chuyển và nhân viên ngành dịch vụ.