Lao động nhập cư chưa 'an cư'

Dù là lực lượng đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp của tỉnh nhưng cuộc sống của những lao động nhập cư vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống tạm bợ của công nhân nhập cư tại nhà trọ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương)

Cuộc sống tạm bợ của công nhân nhập cư tại nhà trọ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương)

Nhu cầu thiết yếu

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 14.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh. Do nguồn cung lao động trong tỉnh khan hiếm, nhiều DN mở rộng tuyển dụng lao động tại các địa phương khác. Lao động nhập cư (LĐNC) chiếm số đông trong lực lượng công nhân ở hầu hết các công ty lớn là TNHH May Tinh Lợi, Công nghiệp Brother, Sumidenso Việt Nam, Công nghệ Vĩnh Hàn Precision...

LĐNC luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương. Họ thiệt thòi về mặt tình cảm khi phải sống xa gia đình. Cuộc sống nhà trọ chật chội, không đủ điều kiện chăm sóc con cái, mất nhiều chi phí ăn ở nên ít có tích lũy.

Theo một báo cáo mới đây của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 22.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh ta có nhu cầu về nhà ở. Nhưng nguồn cung về nhà ở cho người lao động chủ yếu do người dân gần các KCN tự xây dựng và cho thuê. Các nhà trọ dạng này thường có chất lượng thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh, LĐNC vốn đã khó khăn thì nữ công nhân nhập cư càng khó khăn hơn bởi ngoài công việc trong DN họ còn gánh trách nhiệm làm mẹ.

Phần lớn nữ công nhân nhập cư sau khi hết chế độ thai sản chấp nhận gửi con về cho ông bà hoặc gửi ở các điểm trông trẻ tư nhân với mức giá cao để đi làm.

Vợ chồng chị Quàng Thị Hà quê ở huyện Mường La (Sơn La) đang làm việc trong KCN Phúc Điền (Cẩm Giàng). Anh chị và con trai nhỏ ở trong căn nhà trọ hơn 10 m2 ở xã Cẩm Phúc cùng huyện. Thu nhập bình quân hằng tháng của hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng.

Sau khi chi cho việc ăn uống, thuê nhà, gửi con tại một điểm trông trẻ tư nhân, anh chị chẳng còn dành dụm được bao nhiêu. Những tháng không may có người đau ốm phải tằn tiện lắm mới đủ.

Mong mỏi của gia đình chị Hà giống như bao LĐNC khác là có nhà ở bảo đảm, có nơi gửi con phù hợp với điều kiện kinh tế, được bình đẳng về các dịch vụ sử dụng trong cuộc sống.

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh tặng quà lao động nhập cư

Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh tặng quà lao động nhập cư

Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho LĐNC nhưng thực tế chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Đầu tiên phải kể đến chính sách hỗ trợ về nhà ở.

Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 5 khu dân cư phục vụ KCN có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Nhưng hầu hết các dự án đều triển khai chậm hoặc chưa triển khai.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mới có các dự án ở KCN Nam Sách và Đại An, mỗi nơi xây dựng được 1 dãy nhà dạng chung cư. Nhưng mới chỉ có dãy nhà ở KCN Nam Sách thu hút được người lao động vào ở với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%.

Vài năm trước, nhiều địa phương có KCN đã bị quá tải về nhu cầu gửi trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho LĐNC gửi con vẫn còn rất ít, chưa thực sự thiết thực.

Tháng 5 năm nay, theo chỉ đạo của tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch thực hiện đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất tỉnh đến năm 2020.

Đề án triển khai ở 3 địa phương có nhiều KCN là Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương. Nội dung chủ yếu là truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi làm việc tại KCN; xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập tư thục... Vì vậy, đề án chưa giải quyết được "bài toán" giảm gánh nặng về kinh tế và bảo đảm thời gian gửi con phù hợp cho LĐNC.

Để bảo đảm sự công bằng cho LĐNC, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo thực hiện giá bán điện sinh hoạt cho người ở trọ. Nhưng tại tỉnh ta, đa số LĐNC ở trọ chưa được hưởng giá điện ưu đãi.

Một khảo sát mới đây của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tại một số khu nhà trọ ở KCN Nam Sách chỉ ra rằng hầu hết các chủ nhà trọ chưa tính tiền điện, nước đúng quy định, người ở trọ đa phần phải chịu mức giá cao hơn.

Hỗ trợ LĐNC là việc làm cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của DN, thúc đẩy nền công nghiệp tỉnh nhà. Vì vậy, cả DN và cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến những chính sách dành cho LĐNC.

Đặc biệt, chính quyền các cấp cần kiên quyết hơn nữa đối với những hành vi cản trở hoặc thực hiện không đúng chủ trương ưu đãi đối với LĐNC.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/lao-dong-nhap-cu-chua-an-cu-121873