Lao động nhiều lựa chọn, doanh nghiệp càng khó tuyển người

Lao động đang có nhiều lựa chọn việc làm khiến tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng lao động ở các thành phố lớn như: dệt may, da giày… ngày càng khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp đã tăng thu nhập, bổ sung thêm nhiều khoản thưởng, phụ cấp nhằm thu hút người lao động, nhưng vẫn cứ đang phải ròng rã tuyển người.

Nhiều việc làm chủ động thời gian, thu nhập

Gần 10 năm làm công nhân may mặc ở KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), anh Trần Việt Anh cho biết, cách đây 2 tháng đã chính thức nghỉ việc để ra ngoài làm giao hàng công nghệ. Theo lý giải của anh Việt Anh, nguyên nhân khiến anh bỏ việc để đi tìm việc khác là do thu nhập của công nhân may mặc quá thấp.

Hiện có không ít công nhân chuyển sang làm giao hàng công nghệ.

Hiện có không ít công nhân chuyển sang làm giao hàng công nghệ.

“Với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng, cộng cả tăng ca thì mỗi tháng công nhân may như tôi được khoảng 8,5 triệu đồng. Phải đi làm từ sáng sớm, đến tối mịt mới về. Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt và nhiều chi phí khác nữa khiến mức lương này gần như chỉ đủ sống. Có công, có việc cũng không phải muốn nghỉ là được nghỉ. Trong khi đó, đi làm giao hàng công nghệ thu nhập cao hơn đến 1,5 lần mà thời gian rất chủ động. Xong sớm nghỉ sớm, muốn thu nhập cao hơn thì chạy nhiều hơn. Chính vì thế tôi quyết định nghỉ việc ra ngoài làm. Thật ra cũng tiếc gần chục năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng câu chuyện lương hưu là quá xa vời. Chính vì thế để sang năm đủ thời gian, tôi sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần”, anh Trần Việt Anh cho hay.

Sau khi xuất khẩu lao động mở cửa trở lại, anh Nguyễn Trường Giang (Phú Xuyên, Hà Nội) cũng đã quyết định nghỉ làm công nhân để tìm kiếm cơ hội xuất ngoại. Theo chia sẻ của anh Giang, làm công nhân trung bình mỗi tháng thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng. Chưa có gia đình thì còn sống được, nếu có gia đình, con cái rồi thì mức thu nhập này sẽ không đủ để trang trải.

“Làm công nhân 10 năm, thậm chí 20 năm cũng đừng mơ đến việc mua được nhà ở xã hội. Do đó tôi quyết định nghỉ việc, nhờ bố mẹ vay mượn hộ vốn để sang Nhật Bản làm thực tập sinh. Cũng vất vả nhưng ít ra sau vài năm lao động về còn có khoản vốn tích lũy vài trăm triệu đồng để kinh doanh hoặc làm việc khác”, anh Giang lý giải.

Tất nhiên, số lượng người lao động chọn con đường xuất khẩu lao động không phải nguyên nhân lớn khiến doanh nghiệp khó tuyển người hiện nay. Nhưng ví dụ này cho thấy, người lao động hiện đang có rất nhiều lựa chọn việc làm thay vì vào nhà máy làm công nhân.

Theo báo cáo của chuyên trang vieclamtot.com (chuyên trang về việc làm và tuyển dụng), sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu tìm việc đã phục hồi mạnh mẽ. Các nhóm ngành nghề được người lao động tìm kiếm nhiều nhất gồm bán hàng và chăm sóc khách hàng (20%), làm việc trực tuyến và gia công tại nhà (19%), tài xế và giao nhận (17%)...

Trong số những ngành nghề phổ thông phổ biến, công nhân có xu hướng tìm việc thay đổi rõ hơn hẳn. Gần 2/3 số lao động từng làm công nhân nay bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành kể trên. Cũng theo báo cáo này, xét theo giá trị tuyệt đối, tài xế giao nhận cũng có lương cao nhất trên thị trường lao động phổ thông, trung bình 10,1 triệu đồng/tháng trong giai đoạn hậu giãn cách. Lao động phổ thông hiện đang có nhiều lựa chọn các ngành nghề có thời gian linh hoạt và thu nhập ổn.

Doanh nghiệp vẫn ròng rã tìm người

Có nhu cầu tuyển dụng 300 công nhân may và khoảng 60 lao động phổ thông, thế nhưng vài tháng nay, Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Minh vẫn chưa tuyển đủ người. Theo cán bộ tuyển dụng của công ty, mức lương công ty đưa ra để thu hút lao động đang khá cao so với mặt bằng chung (công nhân may lương cứng 7 triệu đồng/tháng chưa kể tăng ca, thưởng năng suất, chuyên cần; lao động phổ thông cũng đảm bảo thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng).

“Chúng tôi còn nhiều chính sách hỗ trợ người lao động khác như xăng xe, nhà trọ, gửi trẻ… Thế nhưng ròng rã mấy tháng trời mới chỉ tuyển đủ người cho nhà máy ở KCN Đồng Văn (Hà Nam), còn nhà máy tại Gia Lâm (Hà Nội) vẫn đang tiếp tục đăng tuyển”, chị Nghiêm Thị Dinh, cán bộ phụ trách nhân sự công ty cho biết.

Theo ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân (đơn vị chuyên về may xuất khẩu) thì hiện nay dệt may và da giày đang là 2 nhóm ngành thâm dụng lao động lớn nhất. Tuy nhiên từ khi hoạt động sản suất kinh doanh trở lại bình thường sau COVID-19 thì đây cũng đang là 2 nhóm ngành luôn trong tình trạng “khát” lao động nhất.

“Chúng tôi có hai nhà máy với khoảng 4.000 lao động, tuy nhiên do làm tốt công tác giữ chân lao động nên hoạt động sản xuất hiện nay không có nhiều xáo trộn. Cái khó hiện nay chỉ là tuyển thêm người để mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng cho các đơn hàng đã ký đến tháng 6 sang năm. Hiện nay đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đang tăng nhưng rất khó tuyển dụng lao động do người lao động ở tỉnh muốn tìm việc gần nhà và lựa chọn các ngành nghề có thu nhập và thời gian linh hoạt hơn”.

Theo các chuyên gia lao động, công nhân lao động hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực trong cơn “bão giá” hiện nay. Với mức thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng thì sau khi trừ đi tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, sinh hoạt thì sẽ không còn tích lũy. Thậm chí không ít gia đình công nhân phải “giật gấu vá vai”, thậm chí là vay mượn thêm để duy trì cuộc sống. Từ đó có thể hiểu vì sao họ không còn mặn mà làm công nhân ở các thành phố lớn.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/lao-dong-nhieu-lua-chon-doanh-nghiep-cang-kho-tuyen-nguoi-i660458/