Lao động sản xuất nông nghiệp dần bị già hóa

Hiện nay, nhiều lao động trẻ đi làm việc tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, do đó lao động sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh đang bị thiếu hụt và già hóa.

Xã Ninh Lai (Sơn Dương) là vùng chuyên canh lúa và cây vụ đông trọng điểm của tỉnh đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa lao động sản xuất nông nghiệp. Theo chị Phan Thị Hương, cán bộ văn hóa xã Ninh Lai, lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp hiện nay phần lớn là người già, phụ nữ đã gần hết tuổi lao động. Vào thời điểm thu hoạch vụ mùa, làm cây vụ đông nhưng trên khắp cánh đồng hầu như chỉ là phụ nữ, người đã quá tuổi lao động làm việc từ thu hoạch, vận chuyển, đến gieo trồng. Toàn xã có 5.119 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 4.012 lao động đã đi làm việc tại các nhà máy, các khu công nghiệp, số còn lại là lao động các ngành nghề, dịch vụ kết hợp làm ruộng, do đó, rất khó khăn trong việc triển khai kế hoạch mùa vụ. Giải pháp quan trọng là xã vận động bà con đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Ông Hoàng Văn Thái, ngoài 60 tuổi, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn)vẫn là lao động chính trong sản xuất nông nghiệp.

Ngay giáp Ninh Lai, các xã Thiện Kế, Sơn Nam, Đại Phú đa số người già, phụ nữ đảm nhận việc đồng áng. Vợ chồng bà Dương Thị Thủy, gần 60 tuổi, thôn Cầu Xi, xã Thiện Kế vẫn phải trực tiếp ra đồng vì con cái đều đi làm công nhân. Theo bà Thủy, vợ chồng bà cố gắng vài năm nữa rồi cũng phải nhượng lại đất cho ai có nhu cầu, chứ không đủ sức để làm nữa.

Tại các phường, xã của thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn, Hàm Yên, việc già hóa lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng đang tạo ra những khó khăn. Một số mô hình thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao khó duy trì và nhân rộng do thiếu lao động trẻ. Năm 2017, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Thôn Cây Vải, xã Thái Hòa (Hàm Yên) thực hiện mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. Năm đầu tiên thực hiện, năng suất mía của thôn tăng từ trên 60 tấn/ha lên gần 80 tấn/ha. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm thực hiện đến nay, năng suất mía lại trở về mốc ban đầu, thậm chí có diện tích còn bị phế canh. Ông Chu Văn Tưởng, Trưởng thôn Cây Vải lý giải, ngoài lý do giá mía nguyên liệu xuống thấp còn do lao động trẻ đi làm xa không có nhân công chăm sóc, thâm canh trong khi sản xuất mía đường lại rất cần nguồn nhân lực này.

Già hóa lao động ở nông thôn không những ảnh hưởng đến sản xuất, còn gây khó khăn cho việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương…Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cơ cấu lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề xét về góc độ kinh tế - xã hội là sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, phù hợp với quy luật phát triển. Tuy nhiên, do số lao động nông nghiệp thuần túy thoát ly đột ngột sang các lĩnh vực khác, chỉ còn người lớn tuổi ở lại vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp, trong khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Khắc phục vấn đề này, các địa phương cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã làm tốt chức năng dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, trong đó tập trung vào các dịch vụ về làm đất, gieo cấy và thu hoạch bằng cơ giới để giảm tối đa sức lao động thủ công; khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình tập trung đất đai, tạo ra những cánh đồng liền vùng liền khoảnh để ứng dụng kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, có quy định phù hợp về hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy công nghiệp hóa, nông nghiệp nông thôn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/lao-dong-san-xuat-nong-nghiep-dan-bi-gia-hoa-124311.html