Lao động tự do muốn có lương hưu, đâu phải 'giấc mơ' quá xa vời

Những người làm lao động tự do như xích lô, nông dân, buôn bán nhỏ lẻ… dù có thu nhập không cao nhưng vẫn quyết tâm chắt chiu tiết kiệm để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với hy vọng khi về già có đồng lương hưu đảm bảo cuộc sống.

Ông Phan Phước Tùng (sinh năm 1965), Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô Hội An - tổ chức cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hội An (Quảng Nam), được thành lập năm 1997 - tập hợp những người lao động tự do làm nghề đạp xích lô tại phố cổ Hội An. Từ ngày đầu thành lập, nghiệp đoàn chỉ có 52 đoàn viên, đến nay đã có 102 đoàn viên, chia làm 4 tổ với 5 bến đậu.

Khát khao có lương hưu khi về già của nhiều lao động

Điểm đáng chú ý ở Nghiệp đoàn Xích lô Hội An là nhiều người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Ông Tùng cho hay, mặc dù mức thu nhập (lương) chỉ đủ sống - khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, nhưng trong tổng số 102 người tham gia nghiệp đoàn, vẫn có hơn 10 người quyết định tham gia BHXH tự nguyện, để được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe và quan trọng nhất là sau này có lương hưu.

Mặc dù thu nhập không cao nhưng nhiều người lao động đạp xích lô ở Hội An vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện.

Mặc dù thu nhập không cao nhưng nhiều người lao động đạp xích lô ở Hội An vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện.

Tổng thu nhập mỗi tháng khoảng hơn 10 triệu đồng từ nghề đạp xích lô, ông Tùng quyết định trích 10% (khoảng 1,1 triệu đồng) mỗi tháng để đóng BHXH tự nguyện. "Tùy thu nhập của anh em, có người đóng 500.000 đồng, 700.000 đồng, 800.000 đồng mỗi tháng. Chúng tôi mới bắt đầu tham gia khoảng 1 năm nay", ông Tùng chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Tấn Mạnh (sinh năm 1991, ở phường Cẩm Nam) cũng là thành viên nghiệp đoàn, cho biết, đã làm nghề xích lô được 6 năm nay. Trong và sau đợt dịch COVID-19, lượng khách du lịch giảm, kinh tế vẫn còn khó khăn, nên anh cũng như nhiều thành viên trong nghiệp đoàn chưa thể tham gia BHXH tự nguyện, nhưng sẽ tham gia nếu chính sách "thoáng" hơn và nền kinh tế hồi phục trở lại.

Theo quy định tại Điều 87, Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn (nhưng thấp nhất phải bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn).

Mặc dù mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn đã tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng từ ngày 1/1/2022 (theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP), nhưng nhiều người lao động cũng không thể tham gia với mức đóng cao do thu nhập còn hạn chế. Do vậy, ở nhiều địa phương đã triển khai các mô hình tiết kiệm hữu ích, từ đó giúp những người có thu nhập thấp vẫn có thể đóng BHXH.

Nuôi heo đất để có tiền đóng BHXH

Tại tỉnh Bến Tre, mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện đã và đang trở thành “điểm sáng” về giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức vào “lưới” an sinh xã hội. Mô hình này do BHXH tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai từ tháng 9/2022 và được nhân rộng ở tất cả các huyện, thành phố. Tại mỗi xã, thành lập ít nhất 1 tổ hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi heo đất, với số lượng 10 người/1 tổ.

Mô hình nuôi heo đất, tích lũy đóng BHXH tự nguyện.

Mô hình nuôi heo đất, tích lũy đóng BHXH tự nguyện.

Mỗi hội viên phụ nữ sẽ tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp nhất hằng tháng là 297.000 đồng; hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và mức đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức lựa chọn đăng ký.

BHXH Việt Nam đánh giá, bằng cách thức đơn giản, tiện lợi, hiệu quả, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp các hội viên có ý thức tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, mà còn yên tâm cho tương lai tuổi già nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, để chăm sóc sức khỏe, không phải trông cậy vào con cháu.

Theo chia sẻ của một số chị em, từ khi tham gia mô hình này, họ đã nắm rõ được lợi ích, giá trị ưu Việt không vì mục tiêu lợi nhuận cũng như mức đóng, phương thức đóng linh hoạt… của BHXH tự nguyện, từ đó còn chủ động đi tuyên truyền lại và vận động người thân, hàng xóm của mình tham gia.

Hay tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều mô hình phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện thiết thực như Chương trình Tiết kiệm an sinh, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh… cũng đang được thực hiện.

Trong đó, Chương trình Tiết kiệm an sinh của xã Thạch Xuân ban đầu chỉ từ 28 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến nay đã là 230 người tham gia. Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) cho biết, đã nhìn thấy rõ được những chuyển biến tích cực mà chương trình này đem lại.

Theo đó, không chỉ ở số lượng người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng mà nhận thức của người dân trong xã về chính sách cũng đã được nâng cao rõ rệt. Bà con rất yên tâm, tin tưởng vào chính sách BHXH, bảo hiểm y tế. “Nhiều người sinh năm 1963, 1960 rất hào hứng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với niềm tin tưởng về một tương lai dù già yếu nhưng luôn được tự mình làm chủ về kinh tế”, chị Thủy chia sẻ.

Theo BHXH Việt Nam, Bến Tre, Hà Tĩnh chỉ là hai trong số nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai và vận hành hiệu quả các mô hình, cách làm sáng tạo nhằm mở rộng độ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế tới người dân.

Cả nước có gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn phải cắt giảm lao động khiến người lao động mất việc làm, không còn thuộc diện được tham gia BHXH bắt buộc. Do hiểu được tầm quan trọng của chính sách BHXH, nhiều người đã tiếp tục ở lại "lưới an sinh" bằng cách đóng BHXH tự nguyện. Mỗi tháng, người lao động tiết kiệm một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH, đổi lại được yên tâm có tuổi già thảnh thơi nhờ lĩnh lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí…

Đồng thời, BHXH tự nguyện có nhiều chính sách hỗ trợ nên hấp dẫn nhiều người làm việc trong khu vực phi chính thức. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân…

Ngoài ra, BHXH tự nguyện hiện đã áp dụng nhiều hình thức giao dịch giúp người tham gia có thể đóng bảo hiểm nhanh chóng, có thể thực hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào trên các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại thông minh…).

Theo BHXH Việt Nam, hiện cơ quan BHXH đã áp dụng 2 hình thức giao dịch cho người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tự nguyện. Thứ nhất là hình thức trực tiếp. Người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tại tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tạm trú. Sau khi nộp tiền, người dân có thể thực hiện tra cứu, kiểm soát thông tin đóng BHXH tự nguyện của mình tại Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Thứ hai là hình thức trực tuyến, người tham gia có thể đóng, nộp BHXH tự nguyện online qua Cổng Dịch vụ công (DVC) BHXH Việt Nam hoặc Cổng DVC quốc gia; hoặc trên ứng dụng trực tuyến của một số ngân hàng. Hiện, BHXH Việt Nam hợp tác với các ngân hàng. Người tham gia có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện ngay trên ứng dụng trực tuyến của các ngân hàng này.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/lao-dong-tu-do-muon-co-luong-huu-dau-phai-giac-mo-qua-xa-voi-1095506.html