Lao động tự do ngại tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh thiết thực nhưng nhiều lao động tự do chưa hiểu ý nghĩa của chính sách này nên không tham gia.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh phát tờ gấp tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân, công nhân lao động ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương)

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh phát tờ gấp tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân, công nhân lao động ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương)

Thỏa thuận ngầm
Mấy năm nay, anh Nguyễn Trung S. ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) làm việc cho một công ty cơ khí ở thành phố. Dù làm đã lâu nhưng anh S. không ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng. Đây cũng là thỏa thuận ngầm của anh S. và chủ sử dụng để tránh phải tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, trên thực tế anh S. vẫn là lao động tự do.

Anh S. cho rằng yếu tố công việc không chắc chắn lâu dài nên cũng không muốn tham gia BHXH. Chủ sử dụng khéo léo thuyết phục anh S. rằng họ trả lương cho anh theo ngày công, nếu tham gia BHXH anh sẽ bị mất một khoản tiền không nhỏ trong tổng số thu nhập của mình. Vậy là cả hai đã lách luật thành công trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Tương tự, anh Nguyễn Đình H. ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) cũng thỏa thuận với chủ sử dụng không ký hợp đồng lao động, không phải tham gia BHXH bắt buộc. Lý do được anh H. đưa ra là anh không muốn bị ràng buộc với công ty. Nơi anh H. làm là doanh nghiệp tư nhân chuyên thi công công trình xây dựng. Không ký hợp đồng lao động, anh H. có thể tự do nghỉ việc mà không phải chịu trách nhiệm gì. Tiền công anh nhận hằng ngày cũng được tính cao hơn nếu như chủ sử dụng không phải trích lại để đóng BHXH cho anh.

Để tránh trường hợp chủ sử dụng trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động, Luật BHXH 2014 đã quy định trong nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cả những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Việc ngầm thỏa thuận như kiểu anh S., anh H. kể trên chính là một cách chủ sử dụng lao động làm để lách luật, không phải tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động mà vẫn trấn an được họ yên tâm làm việc cho mình.

Nhiều lao động tự do làm công việc nặng nhọc nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội

Nhiều lao động tự do làm công việc nặng nhọc nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội

Trọng cái lợi trước mắt

Có không ít lao động tự do vì tính lợi trước mắt nên không tham gia BHXH tự nguyện. Chị Ngô Thị T. ở xã Hồng Dụ (Ninh Giang) là một điển hình như vậy. Chị T. đã làm việc ở một số công ty khác nhau trong khoảng 10 năm và có tham gia BHXH bắt buộc. Cách đây ít lâu, chị T. nghỉ việc về quê làm lao động tự do. Nhưng thay vì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện, chị T. lại thanh lý gói BHXH đã đóng để nhận về một khoản tiền trước mắt.

Hiện có không ít người, nhất là lao động ở các vùng nông thôn làm việc tự do cũng vì tiếc khoản tiền bỏ ra nên không tham gia BHXH tự nguyện. Những lúc nông nhàn, anh Nguyễn Văn Q., 44 tuổi, ở xã Nam Hưng (Nam Sách) thường làm việc ở các công trình xây dựng. Làm việc tự do, không được tham gia BHXH bắt buộc nhưng cũng chưa bao giờ anh Q. nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Quan điểm của anh Q. cũng giống như nhiều người cho rằng đóng BHXH phải mất thời gian dài mới được hưởng, trong khi đó trước mắt lại phải trích ra một khoản tiền để đóng hằng tháng.

Ông Bùi Ngọc Thiện, Phó Giám đốc BHXH huyện Ninh Giang cho biết có rất nhiều người thuộc nhóm lao động tự do, nhất là ở những vùng nông thôn. Đây là nhóm đối tượng chính mà ngành bảo hiểm hướng đến vận động tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng nhiều người dân vẫn quen nhìn vào những cái lợi trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài nên không nhiệt tình tham gia BHXH tự nguyện. BHXH được xem là một trong những biện pháp bảo đảm an sinh xã hội thiết thực nên Nhà nước luôn khuyến khích người dân tham gia.

BHXH tự nguyện đang có nhiều mức đóng. Mức đóng thấp nhất chỉ là 138.600 đồng/người/tháng. Mức đóng này được tính dựa trên mức thu nhập bình quân tối thiểu/đầu người đối với hộ thoát nghèo ở khu vực nông thôn hiện nay. Tùy từng thời điểm, mức đóng BHXH sẽ được điều chỉnh phù hợp. Sau khoảng 20 năm, người tham gia BHXH sẽ được tính nhận lương hưu.

Đối với lao động tự do, nhất là những người làm việc nặng nhọc, có yếu tố tai nạn nghề nghiệp cao như xây dựng, cơ khí, vận tải... thì việc tham gia BHXH rất cần thiết. Bởi trong trường hợp xảy ra rủi ro, người lao động sẽ được bảo đảm các chế độ theo quy định, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

NGỌC THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/lao-dong-tu-do-ngai-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-129613