Lao động Việt an tâm khi yen Nhật tăng giá

Liên tục giảm giá từ tháng 5-2020, chạm đáy ở mức 140 yen quy đổi 1 USD hồi giữa tháng 6-2023.Đầu tháng 7, yen Nhật bất ngờ tăng giá, điều này đã khiến lao động Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản an tâm.

Sang Nhật từ cuối năm 2019, đến nửa đầu năm 2020, đồng yen liên tục rớt giá khiến Phạm Thị Tuyết Ngân (24 tuổi, quê Quảng Bình) gặp không ít khó khăn để có tiền gửi về cho gia đình trả nợ.

Vừa tốt nghiệp THPT, Ngân vay mượn của người thân, bạn bè gần 200 triệu đồng để sang Nhật Bản làm việc. Khoản chi phí lớn khiến cô phải chi tiêu dè sẻn, chỉ mua sắm những vật dụng cần thiết, thực phẩm giảm giá để trữ dùng dần. Ngân cho biết khi qua được gần 6 tháng, đồng yen trượt giá nên lo lắng, nay giá tăng trở lại rất phấn khởi. "Số nợ ban đầu tôi đã trả xong sau 2 năm đến Nhật, hiện còn gần 100 triệu đồng, vay mượn để sửa lại nhà cho bố mẹ hồi năm ngoái. Nếu đồng yen ổn định tôi sẽ sớm thanh toán dứt điểm" - Ngân cho hay.

Yen Nhật chạm đáy, lại thêm công ty ít việc, tháng 6 vừa qua, anh Trương Quang Linh (27 tuổi, quê Đồng Tháp), nộp đơn xin tạm nghỉ việc, anh dự định sẽ về nước vào tháng 8 tới. Trước đó, vì đồng yen mất giá, anh Linh không gửi tiền về quê mà giữ lại để chờ tăng giá. "Tôi về nước nghỉ ngơi một thời gian rồi quay lại Nhật Bản tiếp tục làm việc. Với số tiền giữ lại, hiện quy đổi ra tiền Việt cũng được một khoản kha khá mang về cho gia đình" - anh Linh nói.

Thực tập sinh lên đường sang tỉnh Okayama, Nhật Bản làm việc trong ngành chế biến thực phẩm

Thực tập sinh lên đường sang tỉnh Okayama, Nhật Bản làm việc trong ngành chế biến thực phẩm

Còn Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi, quê Bến Tre) có ý định sang Nhật từ năm 2020, song thấy giá yen sụt giảm liên tục nên cô chần chừ, phải đến gần cuối năm 2022 mới đặt chân đến Nhật. Nhung đi theo diện du học sinh tại tỉnh Osaka. Để có thêm chi phí sinh hoạt, Nhung vừa học vừa đi làm thêm và chi tiêu tiết kiệm nên cũng có dư, giờ đồng yen lên giá trở lại nên Nhung rất vui mừng. "Ngoài khoản tiền tiết kiệm được, sẽ dành dụm thêm để gửi về nhà hỗ trợ một phần tài chính mà ba mẹ đã đầu tư cho tôi" - Nhung bày tỏ.

Sang Nhật theo chương trình IM Japan, ngành lắp ráp linh kiện điện tử từ năm 2015, anh Nguyễn Văn Liêm (32 tuổi, quê Tây Ninh) nhớ lại thời điểm đồng yen chưa rớt giá, 1 yen đổi được 210-220 đồng Việt Nam giúp nhiều thực tập sinh, người lao động (NLĐ) Việt có thu nhập quy đổi ra tiền đồng rất cao. Nhiều người vì thế thoát nghèo, vươn lên khá giả, xây, sửa được nhà cho cha mẹ ở quê, khi về nước có số vốn để làm ăn hoặc khởi nghiệp.

Bà Huỳnh Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động & Chuyên gia Haio (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng đồng yen tăng vào thời kỳ thấp điểm, so với đầu năm 2023 hoặc những năm trước thì vẫn không bằng. Dẫu vậy, đó vẫn là niềm động viên, an ủi cho lao động Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc. "Trong bối cảnh hiện nay, động lực chính của lao động sang Nhật Bản làm việc là có được một công việc lương cao, cơ hội học hỏi, khi về nước có thể phát triển nghề nghiệp sau này" - bà Hiền nhấn mạnh.

Mặc dù có sự sụt giảm đáng kể do thời gian đồng yen lao dốc nhưng khi sang Nhật làm việc không chỉ mang lại những lợi ích riêng NLĐ, mà còn cho kinh tế - xã hội của đất nước. Theo bà Hiền, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, việc làm giảm mạnh, có được công việc ổn định tại Nhật Bản vẫn là điều may mắn với NLĐ Việt Nam.

Bài và ảnh: Huỳnh Như

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-viet-an-tam-khi-yen-nhat-tang-gia-2023072420454548.htm