Lao động Việt được chào đón

Cánh cửa dành cho người lao động có chuyên môn hộ lý, điều dưỡng Việt Nam tại nhiều quốc gia phát triển vẫn rộng mở, bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành

Trong 5 năm tới, Nhật Bản cần khoảng 25.000 hộ lý, điều dưỡng viên và Việt Nam là một trong 3 quốc gia mà Nhật Bản đang phối hợp tìm kiếm nguồn nhân lực này. Trong khi đó, CHLB Đức và nhiều nước châu Âu cũng đang tăng cường hợp tác với Việt Nam để xúc tiến các hoạt động tuyển chọn, đào tạo ngôn ngữ để tiếp nhận số lượng lớn nhân lực điều dưỡng đến từ Việt Nam.

Đức ưu đãi lao động Việt

Khuya 10-1, chị Ngô Thị Thu Hương (tỉnh Đồng Nai) đã lên chuyến bay sang CHLB Đức để chính thức làm việc ngành điều dưỡng cho một bệnh viện lớn tại TP Berlin. Đơn vị đưa Hương sang CHLB Đức là Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á. Sau khi hoàn thành các thủ tục y tế theo quy định của CHLB Đức, Hương sẽ bắt đầu công việc ngay. Với chuyên môn đã được phía CHLB Đức công nhận, Hương trở thành một điều dưỡng được hưởng mức lương khá cao. Tuy nhiên, Hương vẫn phải hoàn thành một số môn học nâng cao để hội đủ tiêu chuẩn của Đức quy định.

Hương cho biết bản thân chị đã chờ đợi chuyến bay này lâu lắm rồi khi đã nỗ lực học tiếng Đức trong một thời gian dài. Khi dịch Covid-19 ập đến, tưởng chừng ước mơ sang CHLB Đức làm việc đã bị dập tắt nhưng không ngờ phía Đức lại tạo mọi điều kiện để Hương được sang làm việc ngay trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành khắp châu Âu.

Các ứng viên hộ lý được đào tạo kỹ lưỡng trước khi xuất cảnh

Các ứng viên hộ lý được đào tạo kỹ lưỡng trước khi xuất cảnh

"Dịch bệnh ở Việt Nam khống chế rất tốt nhưng bên CHLB Đức hiện vẫn còn rất phức tạp nên việc đưa lao động sang Đức gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, phía Đức đang rất cần lực lượng nhân lực cho y tế, sức khỏe, đặc biệt là để chăm sóc điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày một tăng cao nên Đức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho điều dưỡng sang Đức làm việc. Diễn biến dịch bệnh chắc chắn còn phức tạp nhưng với những ngành nghề mà phía Đức đang cần nhân lực, họ vẫn sẵn sàng chào đón lao động Việt Nam" - ông Lê Đức Thiện, Phó Phòng Đào tạo và Quản lý học viên, Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết.

Đại diện tuyển sinh của Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết CHLB Đức đang ráo riết kết hợp với Colab tuyển các ứng viên đã tốt nghiệp hoặc đang học năm cuối cao đẳng, đại học điều dưỡng để đào tạo tiếng Đức, chuẩn bị cho các khóa sang Đức học tập và làm việc trong năm 2021.

Chính phủ Đức vẫn đang dành những ưu đãi tốt nhất cho ứng viên người Việt Nam. Khi tham gia chương trình vừa học vừa làm tại Đức trong 3 năm để trở thành những điều dưỡng viên đủ tiêu chuẩn của CHLB Đức, ứng viên chỉ phải đóng mức phí tham gia tương đương hơn 8 triệu đồng. Ứng viên phải học tiếng để lấy được trình độ B2 trước khi xuất cảnh và trong quá trình học tiếng này, phía CHLB Đức sẽ tài trợ chi phí ăn học để các ứng viên dành toàn bộ thời gian cho việc học tiếng. "Hiện Colab đang tuyển khóa 7 và đang lên kế hoạch cho các khóa tiếp theo trong năm 2021. Một lợi thế mà Việt Nam đang hơn nhiều nước là việc kiểm soát dịch bệnh giúp cho việc đào tạo, học tập của người lao động (NLĐ) không bị gián đoạn. Phía CHLB Đức cũng cho phép NLĐ Việt Nam nhập cảnh vào Đức không phải cách ly nhưng phải bảo đảm không bị Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Đức. Đó chính là cơ hội cho NLĐ Việt Nam trong năm 2021" - vị đại diện Colab nói.

Nhật Bản tạo điều kiện tối đa

Một thị trường lớn đang tăng cường tuyển dụng, đào tạo để tiếp nhận số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý Việt Nam là Nhật Bản. Đất nước này đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong tổng số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc năm 2020.

Ngoài chương trình thực tập kỹ năng đã rất thành công trong thời gian qua, gần đây, Nhật Bản tăng cường tuyển hộ lý, điều dưỡng Việt Nam sang làm việc trong các cơ sở y tế của Nhật Bản. Chương trình đã triển khai thí điểm và bước đầu phía Nhật Bản đánh giá rất cao NLĐ Việt Nam. Vì vậy phía Nhật Bản tăng cường phối hợp với các đầu mối được cấp phép tại Việt Nam để tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đang rất cần này. Tuy liên tục đưa ra những quyết định đóng cửa biên giới để phòng chống dịch Covid-19 nhưng Nhật Bản vẫn xúc tiến đẩy mạnh các hoạt động tuyển chọn ứng viên hộ lý, điều dưỡng chuẩn bị cho nhu cầu cấp thiết trong thời gian tới. Xác định đây là nguồn nhân lực không thể thiếu và đang rất khan hiếm nên Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ chi phí, tạo mọi điều kiện để NLĐ Việt Nam yên tâm chọn Nhật Bản làm điểm đến trong sự nghiệp của mình. Được hỗ trợ nhiều khoản chi phí, mức lương cao, được hỗ trợ tiền khi hết hạn hợp đồng, được gia hạn hợp đồng nếu thi lấy được chứng chỉ nghề của Nhật Bản, tích lũy được khoản vốn lớn... là những lợi ích dành cho NLĐ khi tham gia chương trình hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản.

Ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ phận Phát triển nguồn nhân lực của Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết Nhật Bản đang làm tất cả để có được càng nhiều điều dưỡng, hộ lý Việt Nam càng tốt. Các khóa tuyển chọn, đào tạo mà Công ty TNHH Esuhai phái cử sang Nhật đều làm việc rất hiệu quả, thành công ngay cả trong việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Nhật và cả chuyên môn. "Một điều khá bất ngờ là tỉ lệ thi đỗ chứng chỉ y tế quốc gia về hộ lý, điều dưỡng của Nhật Bản của ứng viên Việt Nam còn cao hơn người bản địa. Kết quả này minh chứng cho việc tuyển chọn đầu vào ứng viên Việt Nam rất chất lượng, được sàng lọc kỹ. Tỉ lệ này chính là thước đo giá trị nhân lực hộ lý, điều dưỡng Việt và đó là lý do để chúng ta thật sự "đắt giá" tại đất nước mặt trời mọc" - ông Khánh nói.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-viet-duoc-chao-don-20210113213641967.htm