Lao động Việt Nam gìn giữ tết cổ truyền ở nơi xứ người
baothanhhoa.vn
Lao động Việt Nam tại Ma Cau quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Gác nỗi buồn khi đón tết xa nhà
Trời Ma Cau (Trung Quốc) những ngày đầu xuân mới cũng giá lạnh như ở quê nhà. Ở đây, họ có truyền thống ăn Tết Nguyên đán giống Việt Nam nên người lao động trong những ngày này cũng được phép nghỉ. Tuy nhiên, những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý, không khí trên đường phố và cuộc sống của người dân Ma Cau vắng lặng hơn hẳn những năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV). Một loạt lễ hội bị hủy bỏ, nhiều điểm vui chơi giải trí lớn phải đóng cửa. Nhà chức trách cũng yêu cầu người dân ở nhà, tránh tụ tập đông người để ngăn dịch bệnh lây lan. Dù vậy, trong một căn phòng nhỏ giữa lòng Ma Cau, nhiều chị em lao động Việt Nam vẫn chuẩn bị đón tết. Người trang trí mâm ngũ quả, bày bánh trái, cắm hoa, người bóc bánh chưng, bánh tét. Không khí vui vẻ, ấm áp khiến gương mặt ai cũng rạng rỡ và tạm quên đi những khó khăn vất vả, thiệt thòi và cả tủi hờn. Ngày thường, họ làm nhiều việc khác nhau, chủ yếu là giúp việc, bán hàng, lao động lặt vặt... Bất chấp khó khăn bởi dịch bệnh, họ vẫn tỏ ra mạnh mẽ để mừng đón năm mới.
Tết năm nay cũng như 2 năm trước, Nguyễn Thị Tùng Oanh, quê ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) kẹt lại ở xứ người. Oanh thành thật cho biết: “Vé máy bay khứ hồi từ Ma Cau về Việt Nam mất khoảng hơn chục triệu đồng, nếu về sẽ không còn được bao nhiêu tiền gửi về nên em chấp nhận đón tết xa nhà để dành tiền cho bố mẹ sửa sang nhà cửa”.
Tết này cả 2 chị em Oanh đều ăn tết xa nhà... Buổi chiều cuối năm, Oanh dọn dẹp lại ngôi nhà trọ rồi qua túm tụm cùng những người đồng hương xa xứ ăn tất niên. Trước đó, Oanh cũng dành dụm được chút ít tiền gửi về quê cho bố mẹ ăn tết. “Bà cứ hỏi ăn tết thế nào, ra sao. Ở quê cha mẹ với em út ăn tết thiếu 2 chị em con. Năm nay ăn tết đạm bạc chờ tết sau các con về sắm sửa tươm tất hơn. Cứ phải an ủi mẹ mà em thì cầm không vững điện thoại nữa...” - lánh vội ra ngoài nói câu chuyện dở, Oanh thủ thỉ: “Tối nay phải về lại chỗ trọ vọng bái tổ tiên. Chẳng được như những ngày ở nhà đêm 30 gia đình đoàn tụ, ăn miếng thịt đông, miếng dưa hành mẹ muối cay nồng. Thôi mọi người ở nhà ăn tết vui, ở bên này mong quê nhà lắm”.
Như nhiều lao động khác, anh Phạm Văn Cường, trú tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) cũng phải đón một cái tết xa xứ. Anh Cường bắt đầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc từ năm 2016. Tại đây, anh làm việc tại một xưởng cơ khí. Mức lương ban đầu chỉ từ 10-12 triệu đồng/tháng. Sau dần tăng lên đến 25-30 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn rất nhiều so với những ngày chỉ quanh quẩn ở nhà đi biển. Có lẽ được nhìn thấy vợ con sống cuộc sống đủ đầy, nhà cửa khang trang là động lực để anh tiếp tục chăm chỉ làm việc. Tâm sự thêm về những ngày tết, người đàn ông 41 tuổi, kể: “Có lần, đang nói chuyện qua điện thoại với gia đình phải tắt vội đi, vì đứa con trai 6 tuổi luôn miệng hỏi bao giờ bố về. Lúc ấy không thể cầm được nước mắt. Nghỉ tết tại Hàn Quốc khá ngắn, nên có về cũng không được lâu, hơn nữa chi phí đi lại cũng tốn kém, nên tôi quyết định không về ăn tết, tích góp tiền rồi gửi về cho vợ con ở nhà trang trải”.
San sẻ yêu thương
Với những người con xa xứ, tết luôn là thời điểm buồn nhớ đến rơi nước mắt, quanh quẩn đâu đâu cũng thấy bóng dáng quê hương. Vì thế, họ cố gắng lưu giữ văn hóa Việt trên chính đất nước mà họ sống. Ở Ma Cau, người Việt rất đông, họ đã hình thành nên một cộng đồng khá đông đúc. Mỗi dịp tết đến, cộng đồng người Việt nơi đây đều tụ hội lại đón tết. Tuy không có hoa đào, hoa mai, song mọi người đã rất sáng tạo khi nghĩ ra cách sử dụng 1 cành cây, sau đó gấp hoa và dán vào. Dù chỉ tượng trưng nhưng cũng góp phần làm cho không khí thêm phần ấm cúng. Họ cùng đi sắm sửa, nấu ăn với đầy đủ những món ăn đặc trưng trong ngày tết của người Việt. Oanh chia sẻ: “Mặc dù không được đón tết cùng người thân tại quê nhà nhưng không vì thế mà tết mất đi ý nghĩa. Đón tết xa quê nhưng em và nhiều người khác vẫn thực hiện đầy đủ những nghi lễ đêm giao thừa, như: Chuẩn bị mâm ngũ quả, lập bàn thờ, làm mâm cơm cúng tất niên. Đồ tết chủ yếu mua ở các ki-ốt bán hàng của người Việt, ở đây gần như có đủ các mặt hàng cần thiết, kể cả vàng mã, giò, chả, bánh chưng, mứt tết... Giá cả tất nhiên là đắt hơn ở Việt Nam một chút, nhưng có hề gì khi cả năm mới có ngày tết”.
Thông thường vào dịp tết, những người lao động Việt Nam thường chủ động mời bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm xung quanh đến ăn tết Việt. Dần dà, nhiều người nghiện, yêu thích tết Việt. Họ khen bánh chưng ngon, tục lệ hay. Có những người chỉ chờ tết đến để được ăn thịt đông cùng dưa hành tự làm, nghe kể về sự tích bánh chưng, bánh dày, truyền thuyết về ngày tết cổ truyền ở Việt Nam. Nhiều người còn ướm hỏi, dịp nào về Việt Nam đón tết cho họ theo cùng, về hưởng cái tết cổ truyền “thực thụ” của người Việt.
Sau thời khắc giao thừa, thường thì các bạn trẻ sẽ rủ nhau đi chơi, đi hát... riêng năm nay vì ảnh hưởng của dịch nCoV nên mọi người ở nhà làm bạn với điện thoại, để gửi gắm tình cảm tới những người đồng cảnh ngộ và người thân nơi quê nhà. “Khắp thành phố đang phun thuốc khử trùng, mọi người khóa kín cửa, bảo trọng sức khỏe nhé”, “Mọi người nhớ ăn nhiều, tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe”, “...”, những thông báo, những lời hỏi thăm như vậy liên tục được những người con xa xứ gửi lên trên một nhóm chát chung. Sau những ngày tết, mọi người không để ý hôm nay là ngày bao nhiêu nữa, ai cũng tiếp tục công việc với tâm lý lo sợ, cập nhật số ca tử vong và nhiễm bệnh, lắng nghe sức khỏe thân thể, theo dõi chỉ số thân nhiệt mỗi ngày và cầu trời đừng ai bị sốt. Khi tinh thần đi xuống, mọi người cùng nhau chia sẻ câu chuyện hài, đố vui có thưởng để lấy lại sự lạc quan, động viên nhau giữ vững tâm lý. Cứ thế, mọi người tự an ủi nhau.
Tuy không được sum vầy, đón tết cùng gia đình nhưng trong trái tim những người con xa xứ luôn luôn hướng về bản quán bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào bởi họ biết, trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có những đóng góp không nhỏ của người con xa xứ. Vì thế, họ cố gắng động viên nhau đón tết vui vẻ, an lành, nỗ lực trong công việc và cuộc sống để đợi chờ đến ngày sum họp.