Lào hạn chế nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước
Nhằm khuyến khích sản xuất một số hàng hóa nông nghiệp trong nước, Chính phủ Lào đã quy định danh mục hàng hóa nông nghiệp cấm nhập khẩu, gồm 6 nhóm sản phẩm từ thực vật và 3 nhóm sản phẩm từ động vật, thủy sản. Ngoài hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng, biện pháp khuyến khích sản xuất nội địa cũng được tăng cường.
Theo báo cáo tiến độ tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính của Chính phủ Lào, việc quy định danh mục hàng hóa nông nghiệp để thay thế nhập khẩu là một trong những công việc trọng tâm hàng đầu trong chương trình quốc gia.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Chính phủ Lào quy định danh mục các loại cây trồng để khuyến khích sản xuất trong nước và giảm bớt nhập khẩu gồm 6 nhóm sản phẩm là rau bắp cải, súp lơ, tỏi củ, hành củ, ớt, rau xà lách.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Chính phủ Lào quy định danh mục các loại hàng hóa về động vật và sản phẩm từ động vật, thủy sản không được phép nhập khẩu gồm bò, lợn, dê, ngỗng, vịt, các loại sản phẩm từ động vật, thủy sản như trứng gà, thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt vịt, thịt ngỗng, các bộ phận của động vật, nội tạng động vật các loại, cá rô phi, cá chép và các loại cá nước ngọt.
Chính phủ Lào quy định danh mục các loại hàng hóa về động vật, sản phẩm hàng hóa từ động vật, thủy sản được phép nhập khẩu vào Lào gồm: con giống động vật có chất lượng tốt, vaccine phòng ngừa dịch bệnh cho động vật, trang thiết bị, thuốc, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine mà Lào không sản xuất được, nguyên liệu, vật tư và máy móc nông nghiệp phục vụ chăn nuôi.
Ngoài ra, Chính phủ Lào cho phép nhập khẩu một số sản phẩm từ động vật nhưng yêu cầu nhà nhập khẩu phải có kế hoạch nhập khẩu cụ thể, không gây ảnh hưởng tới việc sản xuất trong nước như: thịt bò loại tốt, thịt cừu, thịt đà điểu để đáp ứng nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn lớn; cho phép nhập khẩu mỡ lợn, da lợn, thịt vụn để chế biến phục vụ các công ty, nhà máy.
Chính phủ Lào cũng cho phép nhập khẩu đồ hải sản, nhưng phải có các biện pháp quản lý cùng với các tỉnh cho cụ thể, cho phép xem xét quy định hạn ngạch chi tiết trong từng giai đoạn, theo kế hoạch và nhu cầu thực tế.
* Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ Lào mở rộng lần thứ hai năm 2021 hồi cuối tháng 12/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone cho biết, để khuyến khích sản xuất trong nước, Chính phủ Lào đã quy định về yếu tố sản xuất, qua đó có thể xác định được nhu cầu nhập khẩu các loại giống lúa, thực vật, động vật, gỗ, cá, ếch, bao gồm cả máy móc, vật tư, trang thiết bị sản xuất để cân bằng với nhu cầu trong nước.
Năm 2022, Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,5% và xuất siêu đạt 1.550 triệu USD, thu ngân sách đạt 31.593 tỷ LAK (kíp Lào); Chính phủ Lào sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, Kế hoạch ngân sách nhà nước, Kế hoạch tiền tệ năm 2022 và thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt hiệu quả tốt hơn.
Chính phủ tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích sản xuất, chế biến hàng hóa trong nước, dịch vụ, xuất-nhập khẩu hàng hóa các loại thông qua điều chỉnh kế hoạch, dự án thực tế thành hệ thống, việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường... để có thể tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu theo kế hoạch đề ra.