Lão nông Cà Mau quyết nuôi cá 'lạ' và bất ngờ thành tỷ phú
Khi con cá chình còn quá xa lạ, ông Ánh đã liều bỏ số vốn lớn mua 400 con ở Bình Thuận về nuôi. Chẳng ai ngờ rằng, cá lạ giúp ông 'phất' lên thành tỷ phú ở tuổi xế chiều.
Hơn 20 năm trước, khi mọi người còn xa lạ với con cá chình, ông Nguyễn Hữu Ánh (65 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau, Cà Mau) đã mạnh dạn chuyển đổi 5ha đất lúa để đào ao nuôi cá chình.
Đây có lẽ là bước ngoặc lớn nhất cuộc đời lão nông vì ông đã bất chấp sự phản đối của người thân để theo đuổi con cá chình đến cùng.
Lão nông đánh liều nuôi loài cá lạ và cái kết thu lãi khủng (Clip: Bảo Kỳ).
Ông Ánh kể, khoảng năm 1999, lúc đó ông còn trồng lúa nhưng vì có quen người bạn làm thương lái thu mua cá, biết được con cá chình có giá trị cao khuyên ông nuôi thử.
Sau nhiều đêm trăn trở ông quyết định bán ``100 dạ lúa (1 dạ tương đương 20kg-PV), tương tương 3,5 triệu đồng để mua 400 con cá chình giống từ Bình Thuận.
"Thời điểm đó giá cá giống như vậy là rất cao. Tôi cũng chưa biết nuôi nó như thế nào, kỹ thuật ra sao. Vợ tôi thấy bỏ số tiền quá lớn nuôi con cá quá lạ nên bà ấy ngăn cản. Nhưng vì có máu liều, tôi quyết định thử nghiệm một ao", ông Ánh nhớ lại.
Trước đó, trong khoảng thời gian trồng lúa ông Ánh có nuôi cá bống tượng. Nhờ kinh nghiệm này ông áp dụng tiếp cho ao cá chình. Sau 18 tháng thả nuôi, ông Ánh tát ao, thu hoạch 330 con cá chình, trọng lượng 1-3 kg mỗi con (dài 40-60cm) bán được 65 triệu đồng.
"Tiền thức ăn và cá giống chỉ khoảng 10 triệu đồng, trừ hết chi phí tôi lãi 55 triệu đồng. Sẵn có đà phát triển tôi đào thêm 8 ao nuôi cá chình và có hiệu quả như lần đầu", lão nông U70 nói.
Thời điểm đó, cá chình có giá cao, bình quân từ 500.000-600.000 đồng/kg và mức giá này nhiều năm liền giúp ông thu lãi tiền tỷ.
Khoảng năm 2011, tên tuổi ông Ánh bắt đầu vang đi khắp nơi. Ngoài thị trường Cà Mau, ông Ánh còn là đầu mối cung cấp cá chình cho nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Năm 2019, lão nông quyết định bỏ ra 8 tỷ đồng mua hơn 5ha đất năng suất thấp tại xã Tân Thành để đầu tư nuôi cá chình theo quy mô lớn. Tại đây, ông thuê nhân công đào 30 ao, mật độ thả nuôi 1.000 con cá chình/ao. Dù nuôi cá chình số lượng khủng, nhưng ở đây ông Ánh chẳng dùng đến 1 loại thuốc hay thức ăn công nghiệp nào.
Theo ông Ánh, cá chình là loại cá nước ngọt cho lợi nhuận cao, so với trồng lúa hoặc rau màu thì chênh lệch gấp 5 lần. Đây là loài thủy sản dễ nuôi, rất ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá rô phi. Tuy nhiên, con giống có giá cao, nuôi trong thời gian dài mới thu hoạch được. Vì vậy, quá trình nuôi loài cá này phải tỉ mỉ và theo dõi thường xuyên.
"Bí quyết ở chỗ xử lý nguồn nước và đổi ao nuôi cá thường xuyên. Khi đào ao xong, phải lấy nước vào ngâm 15-20 ngày, rồi bơm ra, đưa nước mới vào. Sau đó, dùng vôi bột để xử lý nước. Mực nước phù hợp để nuôi cá chình khoảng 1,6m. Nuôi trong 7-8 tháng tôi sẽ di chuyển số cá qua ao khác, làm như vậy hạn chế được mầm bệnh trên con cá", ông Ánh chia sẻ.
Ông quan niệm nuôi cá phải sạch, an toàn, tuyệt đối không dùng kháng sinh. Ông không thúc ép cá tăng trưởng bằng cách cho ăn quá nhiều lần, quá dồn dập mà lão nông cho cá ăn cách ngày, theo giờ cố định.
"Thời điểm giao mùa gió chướng tầm tháng 9 là lúc con cá chình yếu nên giảm thức ăn 40-50% so với ngày thường. Khi thấy cá nổi đầu tức là nước bị dơ nếu có chết 1-2 con kiểm tra lại dời cá qua ao khác", ông Ánh tiết lộ.
Hiện ông có 45 ao nuôi cá chình trên tổng diện tích 6ha. Lão nông canh tác luân phiên đảm bảo trong ao lúc nào cũng có cá giống và cá thương phẩm. Mỗi năm ông Ánh cung cấp ra thị trường khoảng 4 tấn cá chình, với giá bán ổn định từ 400.000-600.000 đồng/kg, năm nào ông cũng lãi trên 1 tỷ đồng.
Ông Hồ Quốc Trạng - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành cho biết, mô hình nuôi cá chình của ông Ánh rất hiệu quả, khi cá không có giá, ông "găm hàng" nuôi tiếp chờ khi mức giá tăng mới xuất bán. Đồng thời kỹ thuật nuôi sang ao thường xuyên cũng là bí quyết giúp con cá chình của ông Ánh luôn khỏe mặc dù nuôi số lượng nhiều.
"Ông Ánh là thành viên của câu lạc bộ tỷ phú nông dân của xã. Mô hình nuôi cá chình của ông cũng là điểm tham quan và học tập kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản", ông Trạng nói thêm.