Lão nông đi săn cáo bỗng vớ được 'kho báu' trị giá tiền tỉ
Tuy nhiên, lão nông lại từ chối bán kho báu này vì một lý do mà ai nghe xong cũng phải đồng cảm.
Lên núi săn cáo, ai ngờ vớ được kho “vàng”
Năm 1991, một cụ ông có tên Trần Tam (tên nhân vật đã được thay đổi) tại một làng nhỏ ở Quảng Tây, Trung Quốc đã đào được hàng chục món đồ cổ khi đi săn cáo.
Do phát hiện ruộng vườn bị một con cáo phá hoại, ông và con trai đã lên núi để bắt cáo. Trong quá trình này, họ phát hiện một hang động rất tối. Cả hai đã chui vào hang và bất ngờ phát hiện một cục sắt khổng lồ. Trần Tam cho rằng cục sắt này có thể bán được tiền nên đã yêu cầu con trai mang ra khỏi hang.
Ban đầu, cục sắt dính đầy bùn đất nên hai cha con họ Trần không quá để tâm. Sáng hôm sau, khi bắt đầu lau sạch cục sắt, họ mới phát hiện đây là một bức tượng rất kỳ lạ, nhìn giống hình thù một con chó nhưng có sừng và một cái đuôi ngắn.
Điều này khiến Trần Tam bối rối, nhưng trong lòng lão nông có cảm giác bức tượng này không hề đơn giản, chắc chắn không phải là đồ ve chai thông thường. Hai cha con sau đó đã quay lại hang động và phát hiện còn rất nhiều bảo vật khác như chậu, kiềng ba chân, chai lọ và nhiều món đồ có hình dáng độc lạ. Cuối cùng, họ thu được 30 báu vật còn nguyên vẹn và mang chúng về nhà.
Khi tin đồn về việc cha con họ Trần đào được kho báu trong hang lan rộng, một số người buôn bán hiện vật khảo cổ ở địa phương đã đến nhà ông Trần để kiểm chứng. Ngay sau khi thấy chúng, những nhà buôn giàu kinh nghiệm vô cùng mừng rỡ. Họ biết chúng là những cổ vật vô giá và chắc chắn có thể giúp họ kiếm được rất nhiều tiền.
Vì vậy, họ sẵn sàng trả giá cao cho ông Trần, ngay cả bức tượng với hình thù kỳ quặc cũng có giá 2 triệu NDT (6,8 tỉ đồng).
Từ chối số tiền hàng tỉ đồng, giao cổ vật cho đất nước
Khoản tiền khổng lồ mà các nhà buôn đưa ra quả thực vô cùng hấp dẫn, song ông Trần cho rằng, nếu bán các cổ vật này thì rất có thể, ông đang tiếp tay cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ ngồi tù.
Cuối cùng, ông quyết định liên lạc với Quản lý Di tích Văn hóa địa phương ở Quảng Tây để giao nộp lại. Sau khi thẩm định, họ nhận ra kho báu này là cổ vật từ thời Chiến Quốc. Trong đó, nổi tiếng nhất chính là bình rượu bằng đồng hình kỳ lân được chế tác vô cùng tinh xảo. Sau đó, bình rượu này đã được công nhận là di tích văn hóa hạng nhất quốc gia và được sưu tầm tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Những cổ vật khác cũng được công nhận là di tích văn hóa hạng hai quốc gia tại nước này.
Ông Trần sau đó cũng được chính quyền địa phương trao tặng cho Chen San giấy khen và phần thưởng tiền mặt trị giá 200 NDT (684.000đ).