Lão nông 'điên' mỗi năm thu hơn 4 tỉ đồng từ thanh long
Việc trung thành trong việc trồng cây thanh long ruột trắng hàng chục năm qua khiến ông An bị người dân gọi là lão 'điên'. Tuy vậy, đến nay với lợi nhuận từ 3ha thanh long hơn 4 tỉ đồng của gia đình ông An ai cũng phải thán phục.
Tỉ phú nông dân
Nhắc đến gương nông dân giỏi ở Long An, ít ai không biết đến ông Trương Quang An (huyện Châu Thành, Long An). Từ một nông dân nghèo, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây thanh long mà giờ ông đã trở thành một tỉ phú chính hiệu. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông An còn hỗ trợ hàng trăm nông dân khác làm giàu ngay trên chính đất quê hương mình.
Ông An cho biết vào khoảng năm 1995, khi giá thanh long còn rẻ và được ít người biết đến ông đã bắt đầu áp dụng nông nghiệp kỹ thuật cao vào trồng cây để ra trái tốt. Mục đích của ông là trồng thanh long sạch để xuất khẩu sang nước ngoài với lợi nhuận cao và ổn định. Thay vì cho thanh long leo trên cây gỗ, cây vông thì ông cho nó leo trụ, được bón phân, tưới nước. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, những cây thanh long vốn được bỏ hoang đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người nông dân.
Theo ông An, hiện nay, nông dân trong nước đang có tình trạng đổ xô chạy theo các mô hình hiệu quả nhưng không bền vững. Tại huyện Châu Thành cũng vậy, những năm trước, giống thanh long ruột đỏ được giá, cao gấp đôi, gấp ba so với thanh long ruột trắng. Nhiều người đã đổ xô trồng giống này, chiếm phần lớn diện tích trồng thanh long ở địa phương.
Nhưng giống thanh long ruột đỏ phần lớn chỉ tiêu thụ được ở thị trường Trung Quốc, không được các nước khác ưa chuộng, năng suất lại khá thấp, dễ bị sâu bệnh. Đến nay, diện tích trồng phát triển quá lớn, lan sang nhiều địa phương khác, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cả không còn cao như trước.
Riêng gia đình ông An hàng chục năm nay vẫn trung thành với giống thanh long ruột trắng. Thậm chí khi một số diện tích thanh long bị già đi, cần phải trồng mới thì ông vẫn tiếp tục trồng bằng giống cây này. Nhiều người nói ông An là “điên”, nhưng cái điên đó vẫn đem về tiền tỷ cho ông mỗi năm một cách bền vững.
“Vừa qua, nông dân một số địa phương khác cũng liên hệ để học tập kinh nghiệm trồng thanh long, nhưng tôi khuyên là không nên trồng. Không phải tôi giữ riêng cho mình, không muốn chia sẻ. Tôi quan điểm rằng, mỗi địa phương có tiềm năng lợi thế riêng, nên trồng giống cây đặc sản của mình để làm giàu, chứ không nên chạy theo người khác. Làm vậy không những không hiệu quả mà còn dẫn đến nguy cơ vỡ quy hoạch, cung vượt cầu thì kéo nhau chết chùm”, ông An nhấn mạnh.
Toàn bộ vườn thanh long của ông An hiện nay đều trồng theo chuẩn VietGap, bón phân vi sinh, sử dụng hệ thống đèn xông cao áp, hệ thống tưới nước tự động. “Thay vì phải kéo dây, bắt bóng để xông đèn rồi kéo vòi tưới nước cho thanh long mỗi ngày, mất thời gian, tốn công sức thì giờ đây tôi chỉ cần bấm trên điện thoại thông qua ứng dụng là có thể bật đèn, tự động tưới nước cho thanh long. Sáng đi uống cà phê, chiều đi nhậu cũng có thể tưới nước”, ông An vui vẻ nói.
Nhiều năm qua, lão nông Trương Quang An tiếp tục mở rộng diện tích trồng, từ 5 công đất (5.000 m2) đầu tiên, đến nay diện tích trồng thanh long của gia đình ông đã lên đến hơn 3 ha. Mỗi năm khoản lợi nhuận từ trồng thanh long của ông hơn 4 tỷ đồng.
Hỗ trợ nông dân cùng phát triển
Trước tình trạng nông dân liên tục bị ép giá thanh long khiến đời sống khó khăn. Năm 2008, ông An đã vận động thành lập Hợp tác xã thanh long Tầm Vu. Để có kinh nghiệm, ông An sang tận Đức để học tập kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.
Hợp tác xã ban đầu chỉ có 13 thành viên với diện tích 13 ha, vốn điều lệ 250 triệu đồng, đến nay đã có 40 thành viên với diện tích hơn 50 ha, vốn điều lệ cũng được nâng lên 4 tỷ đồng. Phần lớn các diện tích trồng thanh long của thành viên hợp tác xã đều theo chuẩn VietGap, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 140 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà kho hơn 5.500 m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu; xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long 500 tấn. Đến nay đã có 4 nước công nhận nhãn hiệu thanh long của hợp tác xã gồm Mỹ, Nhật, Singapore và Trung Quốc.
Mỗi năm, hàng nghìn tấn thanh long của các thành viên sản xuất ra điều được hợp tác xã thua mua để sơ chế, đóng gói xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó 50% xuất đi Trung Quốc, số còn lại xuất sang Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, các tiểu Vương quốc Ả Rập… Có những thời điểm sản lượng của thành viên trong hợp tác xã không đủ cho các đơn hàng xuất khẩu, ông An phải liên hệ ký hợp đồng để thu mua thêm thanh long từ các hợp tác xã khác. Doanh thu của hợp tác xã năm sau luôn cao hơn năm trước, đạt hàng chục tỷ đồng.
“Bây giờ mà làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống là không ăn thua, khó mà phát triển bền vững. Nông dân giờ phải có đầu óc kinh doanh, biết liên kết với nhau, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, điều quan trọng là phải chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường, nâng cao lợi nhuận chứ không nên phụ thuộc một thì trường lớn là Trung Quốc”, ông An cho biết.
Vừa qua, ông An đã được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng III, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới, ông dự định đưa thanh long Việt đi xuất khẩu tại Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…