Lão nông khuyết tật hăng say làm kinh tế
Ông Lê Hồng Công (63 tuổi), ở thôn Hưng Nhượng Bắc, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), bị mất một cánh tay từ năm 12 tuổi. Nhưng bằng nghị lực phi thường, ông Công đã vượt lên số phận, nỗ lực xây dựng cuộc sống gia đình ổn định.
Năm ông Công 12 tuổi, trong một lần đi theo đội du kích địa phương nhặt vỏ mìn, để làm mìn tự chế phục vụ chiến đấu thì bị một quả bom bi bất ngờ phát nổ, làm mất đi một cánh tay phải và bị thương cánh tay trái. Sau 2 tháng chữa trị, chàng thiếu niên Công xuất viện về nhà mang theo nỗi buồn một thời gian dài. Nhưng rồi nhờ sự động viên của gia đình, Công đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Hằng ngày, ông Lê Hồng Công, ở thôn Hưng Nhượng Bắc, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), luôn tự mình ra trang trại để kiểm tra trùn quế.
Cảm thương trước nghị lực và ý chí của ông Công, một người phụ nữ trong làng đã đem lòng yêu thương ông. Cả hai đến với nhau, rồi sinh được bốn người con (hai trai, hai gái). Đó cũng là niềm vui, niềm động viên vô bờ để ông Công nỗ lực phấn đấu, vươn lên làm kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình.
Năm 2014, ông Công bắt đầu đầu tư nuôi trùn quế. Sau khi tìm hiểu qua báo, đài và nghiên cứu trên Internet, ông lặn lội vào các tỉnh miền Nam để tham quan mô hình nuôi trùn quế. Trở về nhà, ông Công bàn bạc với vợ, rồi xây dựng chuồng trại, nhập giống từ tỉnh Quảng Nam về nuôi. “Thời gian đầu nuôi trùn quế, tôi gặp nhiều khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật, cũng như chưa có đầu ra ổn định. Trong 4 năm đầu, tôi chỉ dùng trùn quế để chăn nuôi và trồng trọt trong nhà”, ông Công chia sẻ.
Đối mặt với khó khăn, nhưng ông Công vẫn không nản lòng. Ông tiếp tục tìm hiểu và nhờ các con chỉ cách tiếp cận, thao tác, làm việc trên Internet. Sau đó, ông lập trang web, Facebook và Youtube cá nhân, để đăng tải các video và bán hàng. Nhờ đó, trang trại của ông được nhiều người biết đến và đặt hàng.
Hiện nay, trang trại nuôi trùn quế của ông Công có diện tích gần 1.000m2, với đa dạng các loại như: Trùn giống, trùn đông lạnh, phân dùng để bón cây... Ưu điểm của loại trùn này là chứa lượng đạm nhiều, giúp vật nuôi tăng đề kháng, cây trồng nhanh phát triển. Mỗi ngày, ông xuất bán gần 200kg trùn giống và trùn đông lạnh. Cứ tầm 10 - 15 ngày, ông Công xuất đi một đợt phân trùn quế 20 tấn, để giao cho chủ vườn cây ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài nuôi trùn quế, ông Công còn tận dụng đất vườn rộng ươm cau giống, mỗi mùa xuất bán khoảng 50 nghìn cây cho các chủ vườn trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, mỗi năm trang trại nuôi trùn quế và vườn ươm cau giống mang về nguồn thu nhập cho gia đình ông Công hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm cho 5 - 8 lao động ở địa phương, với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
"Trang trại nuôi trùn quế của ông Công là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện Sơn Tịnh. Nhờ mô hình nuôi trùn quế mà nhiều năm qua, gia đình ông Công có thu nhập khá ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân địa phương", Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Sơn Tịnh Lê Trung Tín đánh giá.
Bài, ảnh: KIM TRANG