Lão nông kiếm bộn tiền nhờ nuôi con đặc sản to bự trong bể xi măng
Nhờ nuôi loài vật này, gia đình ông Huỳnh Văn Tiếng (ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập khấm khá.
Hơn 4 năm trước, ông Huỳnh Văn Tiếng, nông dân xã Phú Đức (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thả nuôi 20 con cua đinh bố mẹ. Những năm gần đây, cua đinh bắt đầu sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế khá cho gia đình ông.
Được biết, khi mới bắt tay nuôi cua đinh, ông Tiếng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, "không ngại khó, ngại khổ" ông Tiếng đã dành thời gian mày mò nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, theo dõi đặc tính sinh trưởng, tập tính của loài cua đinh. Dần dần, ông cũng rút được kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cua đinh cũng như cách chăm sóc và phòng bệnh cho loài đặc sản này.
Xác định môi trường là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại cho năng suất sinh sản và chất lượng trứng của cua đinh nên ông Tiếng xây ao nuôi có nguồn nước sạch, độc lập để bảo đảm điều kiện sống tốt cho cua đinh, cùng với đó là tạo không gian yên tĩnh, kín đáo, quang đãng, dễ thoát nước, không bị ngập úng.
Ông Tiếng cho biết: “Diện tích ao nuôi tùy điều kiện với mỗi gia đình, nhưng thích hợp nhất là khoảng 500m2, nhiều thì không quá 1.000m2. Mực nước thích hợp cho nuôi cua đinh thịt là từ 1,5- 2m. Thời gian nắng nóng và mùa lạnh có thể cho nước sâu thêm 20- 30cm.
Bên cạnh đó, cần tạo chỗ cho cua đinh nghỉ ngơi dưới nước và trên bờ, đồng thời có chỗ cố định cho cua đinh ăn để tiện theo dõi.
Nuôi cua đinh việc quan trọng nhất là phải kỹ thức ăn, không cho thêm muối vào thức ăn hay những loài vật bị nhiễm mặn, bị ươn, mốc. Khi thời tiết lạnh thì cho cua đinh ăn ít lại, vì chúng ít tốn năng lượng”.
Cua đinh thường nhút nhát, sợ âm thanh, do đó khi để thức ăn vào ao hoặc khi thay nước mới nên làm nhẹ nhàng, đừng khuấy động mạnh.
“Lượng thức ăn dành cho cua đinh phải vừa đủ, không dư không thiếu, vì nếu thức ăn dư sẽ khiến nguồn nước bị hôi thối. Khi nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cua đinh. Đồng thời, khi nuôi cua đinh phải thường xuyên theo dõi nguồn nước...”, ông Tiếng chia sẻ.
Ông Tiếng cho biết thêm, cua đinh giống bán ra với giá khá cao. Cụ thể con cua đinh giống được chia làm 3 loại như sau: cua đinh giống loại 1 (2 tuần tuổi) bán với giá 300.000 đồng/con; con cua đinh giống loại 2 (1- 2 tháng tuổi) bán với giá 500.000 đồng/con và con cua đinh giống loại 3 (3 - 4 tháng tuổi) bán với giá 600.000 đồng/con.
Để có được cua đinh bố mẹ, người nuôi phải bỏ ra khoảng 3 năm để nuôi cua đinh. Khi cua đinh đạt 4- 5 kg/con thì chọn cho sinh sản.
Mỗi năm, cua đinh đẻ 3- 4 lứa, mỗi lứa 8- 15 trứng. Mùa sinh sản của chúng từ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 7 âm lịch năm sau.
Cua đinh đẻ trên cát như ba ba, chúng lấp trứng lại và bỏ đi. Thường 100 ngày là trứng con cua đinh nở, tỉ lệ ấp trứng nở khoảng 70%.
Cua đinh có nguồn thức ăn khá đa dạng, từ đầu tôm tép, cá tạp, ốc bươu vàng, cá biển đến thức ăn công nghiệp.
Ngoài ra, để tăng lợi nhuận và giảm bớt chi phí, người nuôi có thể kiếm thức ăn tự nhiên cho cua đinh. Các loại dễ kiếm nhất là cá tạp, ốc bươu vàng. Trước khi cho ăn thì băm nhuyễn vừa miệng để cua đinh dễ nuốt.
Lượng thức ăn cho cua đinh hàng ngày rất ít, chỉ cần khoảng 10% so với cân nặng cơ thể chúng là được. Cua đinh ăn 2 lần/ngày, chúng thường ăn vào thời gian và địa điểm cố định. Cua đinh đạt trọng lượng từ 3- 5kg là có thể xuất bán.
Nói về hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cua đinh sinh sản, ông Tiếng cho biết: “Tôi nuôi được 20 con cua đinh bố mẹ để sinh sản, tầm khoảng 2 năm trở lại đây cua bắt đầu cho sinh sản thì thu nhập của gia đình tôi từ đó cũng được nâng lên đáng kể.
Vì nguồn thức ăn cho cua có nhiều trong tự nhiên nên chi phí cũng thấp. Đàn cua đinh nhà tôi đẻ được 200 trứng, trừ đi tất cả chi phí tôi thu lời khoảng 60 triệu đồng”.
Minh Hoa (t/h)