Lão nông làm giàu từ mô hình Vườn- ao- chuồng

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang xây dựng mô hình vườn ao chuồng (VAC) kết hợp, đến nay, trang trại của gia đình ông Nguyễn Công Tường, thôn Trung, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường đã đem đến thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Nguyễn Công Tường đã đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Nguyễn Công Tường đã đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, nhiều năm liền, ông Nguyễn Công Tường đã gắn bó với công việc đồng áng nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2010, khi chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo các hướng đi mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, ông đã mạnh dạn tận dụng diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trang trại VAC tổng hợp.

Tiếp đó, ông Tường xin đấu thầu đất của HTX. Có được diện tích đất như dự định, ông bắt tay thực hiện mô hình, vừa thuê máy xúc đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, ông vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu các loại giống vật nuôi phù hợp với xu hướng, nhu cầu thị trường.

Thời gian đầu khó khăn, công việc thất thường, thu nhập không ổn định, vợ chồng ông quyết định chăn nuôi lợn theo hướng lấy ngắn nuôi dài.

Sau khi tìm hiểu về nhiều mô hình trang trại nuôi, trồng tổng hợp, ông quyết định vay thêm vốn để đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, mở rộng diện tích ao nuôi và thả nhiều giống cá khác nhau, trồng thêm nhiều loại cây ăn quả hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

Ông Tường chia sẻ: “Nhờ chịu khó đi tham khảo thị trường và học hỏi từ các mô hình VAC trong và ngoài xã, đến nay, tôi đã đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi rộng hơn 2 ha và thả cá trắm, chép, rô phi với khoảng 15.000 con/lứa (nuôi 2 lứa/năm). Cùng với đó, tôi cũng trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi 500 lợn thịt (2 lứa/năm) với diện tích 900 m2 và tận dụng diện tích đất trồng các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, vải, chuối…

Nhờ mạnh dạn đầu tư, thu nhập kinh tế đã tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm trước đây. Ước tính, mô hình VAC mang lại thu nhập cho gia đình tôi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm”.

Theo ông Tường, khi xây dựng trang trại, ông đã phân từng khu vực một cách khoa học, phát triển theo quy trình khép kín. Phân bón của vật nuôi được tận dụng làm khí đốt biogas và bón cho cây ăn quả trong vườn để bảo đảm vệ sinh môi trường, phù hợp với tổng thể của trang trại.

Ao cá được ông đầu tư hệ thống quạt nước tạo bọt cho cá; thức ăn cũng được bố trí đều khắp ao nên hạn chế tình trạng dư thừa. Còn đối với chăn nuôi lợn, chuồng trại được bố trí thành các khu, xây dựng thoáng mát đảm bảo đông ấm hè mát; nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi, thân chuối cắt lát, ngô, khoai lang và cám gạo... nên thịt săn chắc, khi xuất bán được thương lái đến tận nơi thu mua với giá tương đối ổn định.

Ông Tường còn tâm sự thêm: “Hết ảnh hưởng của dịch Covid-19 rồi đến năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên lợi nhuận của các hộ chăn nuôi giảm đáng kể, nhiều hộ chỉ mong hòa vốn. May mắn tôi lựa chọn thời điểm mua cá giống phù hợp nên được giá tốt, cộng thêm lợi nhuận từ chăn nuôi lợn nên vẫn có lãi.

Vụ cá năm nay, tôi tiếp tục thả hơn 3000 trắm, 3000 chép và 8000 rô phi, dự kiến cuối vụ sẽ thu về hơn 35 tấn cá để cung cấp ra thị trường. Như vậy, đến cuối vụ tôi sẽ thu về khoảng 200 trăm triệu đồng lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí”.

Nhận xét về mô hình VAC của ông Nguyễn Công Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đa Nguyễn Danh Quyết cho biết: “Từ sau khi thực hiện chương trình dồn thửa đổi ruộng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã kết hợp việc nuôi, thả cá với trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với việc trồng lúa.

Mô hình VAC của gia đình ông Tường được xã lựa chọn là mô hình điểm, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm để thực hiện việc quy hoạch đưa khu chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, phát triển chăn nuôi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường”.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78652/lao-nong-lam-giau-tu-mo-hinh-vuon--ao--chuong.html