Lão nông liên tục bị mất lợn nhưng không thể tìm ra thủ phạm, kết luận của cảnh sát khiến ông lập tức chuyển nhà
Phát hiện chuồng lợn liên tục phát ra tiếng động lạ, lại thêm lợn biến mất bí ẩn, người nông dân vội vã mời cảnh sát địa phương tới điều tra.
Trong xã hội cổ đại, người Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các nghi lễ mai táng, đặc biệt là đối với những tầng lớp quý tộc. Để có một cuộc sống sung túc dưới suối vàng, nhiều người từ khi sinh thời đã xây dựng sẵn cho bản thân một ngôi mộ vô cùng công phu, trang hoàng sẵn nhiều bảo vật quý giá bên trong.
Vị trí của những ngôi mộ này thường được lựa chọn sao cho hợp phong thủy, đặc biệt với các vị hoàng đế nhất định sẽ phải nằm trong huyệt long mạch. Tuy nhiên, dù có sự chuẩn bị kỹ càng đến đâu, chắc chắn các vị quân vương không thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra với lăng mộ của mình sau hàng nghìn năm thay đổi của thời đại.
Những chú lợn biến mất bí ẩn
Năm 1979, tại làng Vịnh Chương, huyện Từ Huyện, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, có một lão nông họ Lưu, tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu nên không thể tiếp tục công việc đồng áng. Người con trai hiếu thảo của ông vì thương cha vất vả nên đã xây cho cha một chuồng lợn nhỏ, mong cha có một cuộc sống nhàn nhã an hưởng tuổi già.
Người nông dân này rất yêu quý đàn lợn của mình, mỗi ngày cho đàn lợn ăn xong đều cẩn thận đếm sĩ số và kiểm tra sức khỏe cho chúng. Có một khoảng thời gian, mỗi buổi tối từ phía chuồng lợn lại phát ra tiếng động lạ, giống như tiếng sắt va chạm, nhưng do đàn lợn vẫn khỏe mạnh nên người nông dân không quá bận tâm.
Bỗng một ngày, ông Lưu phát hiện trong chuồng nhà thiếu mất hai chú lợn, tuy mọi thứ khác vẫn còn nguyên vẹn, cũng không phát hiện vết cậy cửa hay phá hoại nào.
Vì quá lo lắng, ông Lưu quyết định dựng một túp lều nhỏ ngủ cạnh chuồng lợn để canh. Một đêm an bình trôi qua, không có ai lui tới đây, đàn lợn cũng không hề phát ra tiếng động. Tuy nhiên, buổi sáng tỉnh dậy, lão nông già phát hiện đàn lợn lại tiếp tục thiếu mất một con.
Trước sự biến mất vô cùng bí ẩn của vật nuôi, ông Lưu đã quyết định cùng con trai kiểm tra thật kỹ chuồng lợn. Kết quả, họ tìm thấy một chiếc hố khá sâu được che phủ bởi rơm trong góc chuồng, trông không giống như bị lợn đào. Nghi ngờ nhà mình bị kẻ xấu đột nhập thông qua đường hầm này, ông Lưu đã ngay lập tức mời cơ quan an ninh địa phương vào cuộc điều tra.
Sau khi tiến hành kiểm tra lỗ sâu không đáy này, cảnh sát phát hiện đất xung quanh hang động này rất cứng, điều này hoàn toàn không hợp lý bởi những ngày này thường xuyên mưa, đáng lý đất sẽ trong trạng thái ẩm và dễ sụt lún.
Với sự hiểu biết của mình, họ nghi ngờ bên dưới chiếc hang này là một công trình cổ đại bị che giấu, vậy nên đã ngay lập tức liên hệ với cục di tích văn hóa địa phương để tham gia phối hợp điều tra.
Sau khi tiến hành khai quật, kết quả không nằm ngoài dự đoán, ngay bên dưới chuồng lợn này là một công trình mộ cổ khổng lồ. Thân phận chủ nhân mộ chính là Hoàng đế Cao Dương (526 - 559), người lập ra Bắc Tề, một trong năm triều đại thuộc Bắc Triều, cai quản miền Bắc Trung Quốc từ năm 550 tới năm 577.
Nhiều di tích văn hóa có giá trị đáng kinh ngạc được khai quật
Trong ngôi mộ của Cao Hoàng đế, các chuyên gia phát hiện ra rằng mặc dù nó đã bị đánh cắp, nhưng nơi đây vẫn còn lưu trữ rất nhiều cổ vật quý giá, đặc biệt là những bức tranh tường khắc họa thần thú thời cổ đại như rồng và hổ. Một số lượng lớn các vật phẩm chôn cất, bao gồm hơn 1.600 dụng cụ từ đất nung và đồ sứ cũng đã được khai quật.
Theo phân tích của các chuyên gia, lăng mộ của Cao Dương Đế được thiết kế theo phong cách vô cùng sang trọng và tao nhã.
Trong đó, quý giá nhất chính là bức bích họa chính của mộ đạo, bức họa dài 37 mét, vẽ một đội nghi lễ gồm 106 người, cùng với 35 con chim báo điềm lành, thụy thú bay lượn. Cảnh tượng tráng lệ toát từ bức bích họa khiến cho nơi đây toát lên vẻ khí thế hùng vĩ, làm cho ngôi mộ bao phủ trong một bầu không khí trang nghiêm.
Các bức tranh tường của đường mộ Cao Dương không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu nghệ thuật hội họa Bắc triều, đồng thời còn phản ánh các văn hóa lễ nghi và phong cách trang phục đa dạng từ thời cổ đại.
Từ đó, các nhà khảo cổ học có thêm nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu hệ thống nghi lễ thời kỳ Bắc Triều.
Sau khi biết được dưới chuồng lợn nhà mình là nơi chôn cất hoàng đế khai quốc của Bắc Tề, người nông dân cảm thấy vô cùng tự hào. Mặc dù phải thay đổi nơi cư trú để phục vụ cho cuộc khai quật, ông vẫn luôn sẵn lòng khi có thể bảo vệ được kho báu quốc gia.