Lão nông ở Bạc Liêu hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, xây cầu
Ông Phan Minh To ở Bạc Liêu tự nguyện hiến gần 1.500m2 đất để làm đường giao thông, xây cầu, xây nhà văn hóa.
Những năm qua, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã lan tỏa sâu rộng, được đông đảo nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ.
Hiến đất làm đẹp quê hương
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", qua công tác tuyên truyền, vận động trên tinh thần "dân biết, dân làm, dân thụ hưởng", đã xuất hiện nhiều tấm gương tự nguyện hiến đất, tiền của chung sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh.
Điển hình là trường hợp ông Phan Minh To (65 tuổi, ngụ ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đã nhiều lần tự nguyện hiến đất phục vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê, tươi sáng hơn.
Ông To bộc bạch: "Gia đình tôi đã ba lần hiến đất xây dựng nông thôn mới. Lần thứ nhất, vào năm 2020, khi đó gia đình tôi hiến 400m2 đất vườn làm đường giao thông nông thôn, cùng với đó là hơn 200m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng Nhà Văn hóa ấp Lộ Xe A".
Lần thứ hai, khi UBND huyện Hồng Dân có chủ trương đầu tư xây dựng cây cầu tại ngã ba gần nhà để nối thông tuyến đường ô tô Cầu Đỏ - Bến Luông với chiều ngang 3,5m. Lúc này, ông To cùng gia đình không ngần ngại tiếp tục hiến tiếp phần đất giáp bờ kênh, với hơn 100m2 cho Nhà nước xây dựng cây cầu mới kiên cố, trọng tải hơn 3 tấn, chiều ngang 3,7m.
Lần gần đây nhất, vào đầu năm 2024, hưởng ứng cao điểm ra quân chiến dịch làm giao thông nông thôn - thủy lợi nội đồng, gia đình ông To tiếp tục hiến thêm gần 400m2 đất trước sân nhà để xã Vĩnh Lộc A mở rộng tuyến đường dài hơn 1km, đảm bảo mặt đường rộng 3,5m.
"Bởi tôi biết được chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, tôi cũng từng có thời gian 3 năm làm chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Vĩnh Lộc A, nên tôi quyết định hiến đất mà không nghĩ đến lợi ích cho mình.
Khi tôi đưa ra quyết định, vợ con tôi đều đồng tình ủng hộ việc làm của tôi, bởi hiến đất làm cầu, làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ việc đi lại của bà con trong ấp, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của bà con", ông To chia sẻ thêm.
Nghĩa cử đẹp cần được nhân rộng
Chứng kiến nghĩa cử đẹp của ông To, ông Nguyễn Văn Tôn (73 tuổi, cách nhà ông To hơn 200m) chia sẻ: "Việc làm của ông To rất đáng trân trọng và ý nghĩa, bởi 'tấc đất là tấc vàng'. Trong khi ông ấy tự nguyện hiến gần 1.500m2, đất, giá trị khoảng hơn một tỷ đồng mà không đòi hỏi gì.
Nhờ vậy, mà con đường đất đen nhiều năm trước bị hẹp lại nắng bụi, mưa lầy lội, trơn trượt, đi lại vất vả, khiến việc mua bán, vận chuyển nông sản cũng khó khăn. Giờ đây, con đường đã thay thế bằng bê tông cốt thép ngang 3,5m kiên cố, ô tô đi lại thuận tiện, học sinh đi học an toàn, buôn bán thuận lợi dễ dàng, diện mạo đường quê thay đổi hẳn".
Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, thời gian qua, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được đông đảo nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Những năm qua, xã Vĩnh Lộc A có hàng trăm hộ dân hiến đất, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, góp phần cùng địa phương đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao.
"Sở dĩ người dân đồng tình ủng hộ hiến đất làm đường, làm cầu là do địa phương đã phát huy được tính dân chủ. Cụ thể, khi triển khai công trình, dự án đi qua, chúng tôi đều họp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cùng với đó là thông tin rõ ràng, công khai, minh bạch về dự án, cũng như mức độ ảnh hưởng của dự án", ông Thái cho hay.
Cũng theo ông Thái, gia đình ông To sống chủ yếu bằng nghề nông, với mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp, mang lại thu nhập đôi lúc cũng bấp bênh. Thế nhưng, khi địa phương vận động các phong trào, ông luôn tích cực tham gia.
"Không những vậy, ông To còn vận động các hộ dân trong ấp cùng hiến đất, góp công sức để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. "Nghĩa cử của ông To rất đáng trân trọng và nhân rộng", ông Thái chia sẻ thêm.