'Lão nông' tâm huyết với nông nghiệp sạch

Đến thăm HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên của gia đình ông Nguyễn Hoàng Mạnh ở khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm hệ thống nhà lưới rộng hơn 7.000 m² với những hàng cây xanh mướt thẳng tắp. 'Lão nông' với vẻ hiền lành, chân chất ấy là một trong những người tiên phong, đi đầu trong sản xuất nông nghiệp sạch, nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP

Từng có 10 năm phục vụ trong quân ngũ, sau khi xuất ngũ ông sang Liên Xô (trước đây) lao động, hai năm sau trở về quê hương ông bắt tay vào sản xuất nông nghiệp. Ban đầu trồng 2,5 ha ổi theo phương thức canh tác truyền thống nhỏ lẻ, tự phát nên năng suất thấp, chất lượng quả không cao.

Năm 2015, dù đã ở tuổi 60 nhưng với bản tính ham học hỏi, ông Mạnh đã lên mạng Internet tìm hiểu và xây dựng mô hình nhà lưới trồng dưa lê, dưa chuột, măng tây, ổi, các loại rau, củ, quả theo mùa... rộng 7.000 m² với số vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel. Đây là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí, nhân công.

Thời gian đầu khi bước vào sản xuất ông gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm, chưa am hiểu việc sử dụng hệ thống kỹ thuật hiện đại. Nhưng sau khi nghiên cứu, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ từ các đơn vị của Sở NN và PTNT về kinh phí, kỹ thuật, ông Mạnh đã bước đầu thành công trong sản xuất nông sản theo hướng “sạch” với hàng trăm tấn rau củ được thu hoạch mỗi năm, do doanh thu hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Với ông Mạnh, để làm nông nghiệp sạch điều kiện tiên quyết là phải có vùng sản xuất độc lập, rộng rãi và dinh dưỡng cho cây. Muốn cây trồng phát triển xanh tốt, chất lượng quả cao phải đảm bảo đất, nước không có kim loại nặng, mầm bệnh. Phân bón chủ yếu là phân chuồng, trùn quế, vi sinh... Việc chăm sóc đến thu hoạch phải được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký để đảm bảo cây trồng có chất lượng tốt nhất.

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ông Mạnh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Việc có mã truy xuất nguồn gốc đã tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Thông qua đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng. Để hướng tới thị trường tiêu thụ rộng hơn, ông Mạnh đã tham gia chương trình OCOP. Đến nay, HTX đã có nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và được đánh giá cao về chất lượng.

Hiện nay các sản phẩm của HTX đã được khách hàng tin dùng, thị trường ngày càng được mở rộng. Các sản phẩm của HTX đến với khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện nay, HTX cũng đã lên phương án sản xuất để nâng cao giá trị nông sản nhằm thúc đẩy lượng tiêu thụ lớn hơn.

Với quan điểm đặt niềm tin của khách hàng lên hàng đầu, “lão nông” Nguyễn Hoàng Mạnh đã và đang tiếp tục học hỏi, nghiên cứu những phương thức mới trong sản xuất nông nghiệp sạch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202110/%E2%80%9Clao-nong%E2%80%9D-tam-huyet-voi-nong-nghiep-sach-180201