Lão nông với tuyệt chiêu nuôi kiến thay thuốc trừ sâu
Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vườn cam của lão nông Hà Tĩnh vẫn sai quả. Để có thành công này, người nông dân đã 'lấy độc trị độc' bằng cách nuôi đàn kiến vàng săn bắt, diệt sâu.
Vào vụ thu hoạch cam, năm nay ông Lê Quang Toại (SN 1964, trú thôn Đăng, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) phấn khởi khi vườn cam đạt chất lượng, dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có kinh nghiệm hàng chục năm làm vườn, nhưng đây là lần đầu tiên người đàn ông vận dụng tuyệt chiêu “lấy độc trị độc” bằng cách nuôi đàn kiến vàng trong vườn cây với nhiệm vụ săn bắt sâu bọ phá hoại cam.
Trang trại của ông Toại rộng hơn 2ha, nằm ở đỉnh đồi thôn Đăng. Nơi đây ông Toại đã cải tạo và trồng hơn 800 gốc cam chanh và cam bù. Chỉ tay vào tổ kiến đóng ở góc cam, ông Toại nói: “Ban đầu tôi lấy 4 tổ kiến sinh sống ở những gốc keo, tràm rồi về thả nuôi tại vườn cam. Đến nay tại trang trại có trên 40 tổ sinh sống. Chúng thường xuyên di chuyển để kiếm thức ăn và bắt những loại côn trùng, sâu bọ phá hoại cam”.
Ở những gốc cam trĩu quả, đàn kiến vàng di chuyển từ cây này sang cây khác bằng sợi dây cước được buộc ở gốc cam. Thỉnh thoảng từng nhóm kiến tha những con sâu mà chúng bắt được đưa về tổ. Ông Toại cho biết, kiến vàng sống theo bầy đàn và làm tổ trên cây bằng cách sử dụng tơ ấu trùng của bản thân để cuộn các lá cây lại với nhau. Kiến vàng là một loài thiên địch vô cùng có lợi trong vườn trái cây.
Ông Phan Anh Toản, cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện Vũ Quang cho biết, mô hình nuôi kiến vàng bảo vệ cam thấy rất hiệu quả. Đây là một giải pháp sinh học thông minh thay thế thuốc trừ sâu và bảo vệ môi trường, tạo dựng thói quen sản xuất lành mạnh theo hướng hữu cơ, giúp phát triển nông nghiệp xanh bền vững.
Không chỉ có khả năng khống chế, tiêu diệt các loài côn trùng có hại cho cây trồng mà còn giúp tăng độ ngon ngọt cho phần ruột trái. Khi mới thả, để giúp kiến “an cư”, ông dùng chai nhựa chứa tép khô, cơm nguội buộc cố định trên cành cây để kiến có thức ăn gây đàn, nuôi tổ.
“Trước đây mùa này thường bị sâu vẽ bùa, rệp sáp làm rụng quả. Nhưng nay nuôi kiến vàng nên mấy loài sâu hay phá cam cũng không thấy nữa. Vừa mang lại hiệu quả lớn về chất lượng, lại giảm được các chi phí về thuốc bảo vệ thực vật”, ông Toại chia sẻ. Mùa cam năm nay ông Toại phấn khởi khi giá thành bán cao hơn so với những năm trước. Đặc biệt vườn cam hữu cơ được nhiều người biết đến và đặt hàng nên không lo về đầu ra. Thu hái đến đâu tiêu thụ đến đó. Theo ước tính năm nay sản lượng đạt khoảng 15-20 tấn, thu về khoảng 200-300 triệu đồng.